* Hỏi: Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn nào?
- Đáp: Trong việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu.
2. Bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu.
3. Nhận tài liệu và phiếu bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND từ các Ban bầu cử tương ứng; phát Thẻ cử tri, phiếu bầu cử có đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri.
4. Thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử (tức là từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 22 tháng 5
năm 2021).
5. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu.
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử; nhận và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử ĐBQH, người ứng cử đại biểu HĐND mỗi cấp và các khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ bầu cử.
7. Kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV, biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu HĐND từng cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để gửi đến các Ban bầu cử tương ứng.
8. Chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử và toàn bộ phiếu bầu cử đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu khi kết thúc việc kiểm phiếu.
9. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên.
10. Thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại tại khu vực bỏ phiếu (nếu có).
* Hỏi: Số người ứng cử trong Danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử phải đáp ứng yêu cầu nào?
- Đáp: Số người trong Danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH phải nhiều hơn số ĐBQH được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là 2 người.
Số người trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND ở từng cấp phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là 2 người; nếu đơn vị bầu cử được bầu 4 hoặc 5 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là 3 người. Trường hợp đơn vị bầu cử đại biểu HĐND được ấn định bầu 1 hoặc 2 đại biểu thì số người ứng cử chỉ cần nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 1 người.
Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ xem xét, quyết định trong trường hợp khuyết người ứng cử ĐBQH ở đơn vị bầu cử vì lý do bất khả kháng và hướng dẫn để Ủy ban Bầu cử các cấp xem xét, quyết định đối với trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử vì lý do bất khả kháng.
Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy