Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều vụ học sinh bị đuối nước xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn cho các em nhỏ. Đuối nước được coi là một vấn đề y tế công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân tử vong chấn thương hàng đầu trên thế giới. Đuối nước có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em dưới 15 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ nhất.

Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em

Hàng năm, đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Con số này khiến Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều vụ học sinh bị đuối nước xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiếp tục gióng lên một hồi chuông báo động về sự an toàn cho các em nhỏ.

Mới nhất là vụ việc một bé trai 6 tuổi tử vong do đuối nước tại một hồ bơi ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ chiều ngày 11-4-2021. Trước đó tại Quảng Bình vào ngày 10-4 cũng đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến hai chị em gái trong một gia đình tử vong khi đi bắt ốc.

Tại tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 6 vụ đuối nước khiến 11 trẻ em tử vong. Đáng báo động, tình trạng này diễn ra liên tiếp vào tháng 3 và đầu tháng 4/2021, số trẻ em tử vong tăng cao đột biến, hơn 50% so với cả năm 2020. Chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 4, ngành chức năng tỉnh cũng đã ghi nhận 2 vụ tai nạn đuối nước. Đó là các vụ vào chiều ngày 4-4, tại thôn H’Nor, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, khiến hai em A Lai (sinh năm 2016) và A Trít (sinh năm 2018) tử vong; tiếp đó là vụ đuối nước vào chiều ngày 7-4 xảy ra tại xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, đã cướp đi sinh mạng của hai em Y Ngọc (sinh năm 2016) và A Triệu Lộc (sinh năm 2018).

Tại Đồng Tháp, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến ngày 6-4, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ, với 7 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước, tăng 5 em so với cùng kỳ năm 2020.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng nguyên nhân chính chủ yếu do trẻ không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó là do thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Các em cũng chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, tắm sông, suối, ao hồ... khi không có người lớn giám sát, trong khi phần lớn các em thiếu kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống khi bơi lội. Ngoài ra, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức...

Làm gì để phòng ngừa đuối nước cho trẻ em?

Tai nạn đuối nước xảy ra nhiều nhất là vào thời nghỉ hè, nhất là trẻ em ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối. Liên tiếp các vụ đuối nước tập thể thương tâm xảy ra thời gian qua, để lại nỗi đau, sự tổn thất to lớn cho gia đình và xã hội. Điều kiện sống của trẻ em Việt Nam có nhiều ao hồ, kênh, rạch, sông, suối… đây là nguy cơ tiềm ẩn của đuối nước. Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em là dạy bơi cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2018, Bộ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (CHAI) triển khai các chương trình can thiệp về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam tại 8 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Theo đó đã có khoảng 1.000 trẻ (6-15 tuổi) đã được học bơi an toàn trong môi trường nước.

Trong những năm qua, nhiều địa phương cũng đã đưa môn bơi lội vào trường học bằng cách tổ chức các bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh.

Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các em gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước để chờ người lớn tới cứu.

Dạy kỹ năng an toàn cho trẻ là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh… Cần tăng cường nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn, bởi phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.

Một số lưu ý khi cho trẻ đi tắm biển, ao, hồ, sông

- Luôn cho trẻ mặc áo phao/phao.

- Kiểm tra độ sâu và chướng ngại vật trước khi cho trẻ bước chân xuống nước

- Luôn bơi cùng trẻ và bơi không quá xa bờ 15 m.

- Không để trẻ tắm quá 2 tiếng liên tiếp, vì điều này có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh.

- Không nên tắm vào thời điểm từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều.

- Thường xuyên chú ý đến trẻ em vì ngay cả trong nước cạn, sóng cũng có thể đánh úp khiến trẻ chới với.

- Cần thận trọng khi cho trẻ tắm biển trong thời tiết xấu, sóng lớn; tắm ở vùng hoang vắng, tắm gần các bến bãi tàu bè, mỏm đá, cọc đóng trên biển…

- Chỉ được tắm trong khu vực được chỉ định.

- Cần cho trẻ lên bờ ngay nếu trẻ cảm thấy lạnh người, mệt mỏi đột ngột, nhức đầu hoặc đau nhức sau gáy, chuột rút, ngứa ngáy cơ thể, rối loạn thị giác, đau khuỷu tay, đầu gối và có dấu hiệu bị trướng bụng…

- Cha mẹ hãy nhắc trẻ: tránh xa các dòng chảy siết, tắm quá xa bờ biển, hồ, ao nơi quá sâu. Luôn bơi gần nhân viên cứu hộ. Nếu không may bị nước cuốn hãy giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp.

Theo TTXVN