Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Quảng Nam và Đà Nẵng là vùng đất điển hình cho tinh thần chiến đấu, hy sinh trong chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, Quảng Nam và Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ. Hai địa phương không những phát triển du lịch mà còn tập trung vào các thế mạnh khác.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế của Quảng Nam và Đà Nẵng tăng trưởng âm. Đầu năm 2021, sau Đại hội XIII của Đảng, hai địa phương đã có bước tổ chức lại bộ máy, vì vậy có những chuyển biến đáng mừng. Vào quý 1, năm 2021, tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng có sự tăng trưởng vượt bậc.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng về phát triển thành phố Đà Nẵng: Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 05/2021/QĐ-TTg ngày 8/2/2021 về việc Quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu. Thành phố đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đang tích cực triển khai dự án xây dựng trung tâm tài chính, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư.
Tỉnh Quảng Nam đã giải quyết nhiều khó khăn trong thiên tai, lũ lụt, khắc phục hậu quả và không để người dân chịu cảnh "màn trời chiếu đất". Đặc biệt, Quảng Nam đã phát triển nhiều dự án mới, tập trung định hướng, chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, hai địa phương cần đổi mới phương thức cách làm, để thúc đẩy các sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn, tìm ra lĩnh vực mũi nhọn; phải ý thức sâu sắc các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, từ đó có cách ứng xử với nhân dân, với tinh thần cần dân, trọng dân, học dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đà Nẵng là thành phố trung tâm của miền Trung. Đà Nẵng - Quảng Nam là đầu tàu tăng trưởng của miền Trung và là cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Quảng Nam và Đà Nẵng cần có khát vọng, tạo dấu ấn riêng, trở thành nơi đáng sống; nỗ lực chung tay vào công cuộc xây dựng một Việt Nam hùng cường. Đặc biệt trong thời điểm hậu COVID-19, hai địa phương này phấn đấu là thiên đường du lịch an toàn của quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, lãnh đạo hai địa phương cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, có quyết tâm, khát vọng, huy động sự đồng lòng, ủng hộ của người dân. Đà Nẵng, Quảng Nam cần sớm khắc phục yếu kém, tồn tại; hoàn thiện bộ máy tổ chức; nâng cao ý chí, sức chiến đấu, cần tạo ra sinh khí, đặc biệt khuyến khích các nhân tố mới; thúc đẩy cải cách, loại bỏ yếu kém, sắp xếp bộ máy tinh gọn, yêu cầu cao; thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân; khắc phục, sửa chữa những chính sách không phù hợp; phát huy dân chủ, dám nghĩ dám làm, khuyến khích tinh thần duy tân, đổi mới, tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp. Cùng với đó, hai địa phương triển khai sớm, hiệu quả việc tiêm vaccine, đảm bảo nhanh chóng phục hồi kinh tế sau COVID-19…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hai địa phương cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình đầu tư, tạo phúc lợi cho người dân tại khu vực dự án; xây dựng niềm tin và môi trường đầu tư mới, phải nhất quán quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, khi Đà Nẵng xác định mũi nhọn là ngành công nghiệp công nghệ cao, cần quán triệt tư tưởng là phải có nhà đầu tư tốt, tuân thủ luật pháp trong công tác phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố thực hiện chế độ của người lao động, tạo môi trường làm việc tốt hơn nhằm tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội…
Theo TTXVN/Báo Tin tức