Trong giai đoạn 2016-2020, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã được thụ hưởng 1 dự án và 1 đề án với tổng kinh phí đầu tư hơn 133,6 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án “Đổi mới và phát triển GDNN”, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận được phân bổ kinh phí đầu tư 5 nghề trọng điểm với tổng kinh phí hơn 132,4 tỷ đồng, nâng tổng số vốn bố trí cho dự án từ khởi công đến hết năm 2020 hơn 380,5 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã hoàn thành tất cả các hạng mục xây dựng cơ bản, lắp đặt trang thiết bị, một số hạng mục công trình đã được đưa vào khai thác sử dụng, một số hạng mục dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2021 và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” được ngân sách trung ương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thuận Bắc với kinh phí 1,2 tỷ đồng, nâng tổng số kinh phí được phân bổ và giải ngân từ khi triển khai dự án đến hết năm 2020 là 15,2 tỷ đồng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho giáo viên và cán bộ quản lý GDNN được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Các chính sách cho học sinh, sinh viên, học viên như: miễn giảm học phí, cấp học bổng, chính sách nội trú, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề cho thanh niên, lao động nông thôn (LĐNT)… được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận hướng dẫn cho học viên về kỹ thuật sửa chữa điện ô tô. Ảnh: Văn Nỷ
Nhờ vậy, chất lượng, hiệu quả công tác GDNN của tỉnh những năm qua có bước chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tuyển mới và dạy nghề cho 45.705 người (trình độ cao đẳng, trung cấp 5.119 người; trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng 40.586 người) đạt 109% so với kế hoạch và tăng 5% so với giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 60,17%, tăng 9,77% so với năm 2015; trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt 45,09%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 đề ra.
Riêng với công tác đào tạo nghề cho LĐNT, tổng số lao động qua đào tạo nghề trong giai đoạn 2016-2020 là 13.971 người, đạt 107% so với kế hoạch. Số lao động được doanh nghiệp (DN) tuyển dụng, tự tạo việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học để tự tạo việc làm, thành lập tổ đội nhóm sản xuất, nhận gia công hàng hóa tại nhà hoặc nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp là 11.600 người, đạt 83,03%; trong đó, số lao động được DN tuyển dụng là 1.650 người, tập trung vào các DN trong tỉnh. Nhìn chung, các nghề và lớp nghề được tổ chức tương đối phù hợp với nhu cầu địa phương. Trong đó, các ngành nghề nông nghiệp giúp LĐNT có kiến thức phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả như: trồng rau sạch, trồng bưởi da xanh, nho an toàn, nuôi heo đen, chăn nuôi gà an toàn sinh học… Với ngành nghề phi nông nghiệp như chế biến và bảo quản thủy sản, được Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận phối hợp với Công ty TNHH Thông Thuận tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm tại doanh nghiệp cho 474 lao động với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Với nghề may công nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ninh Sơn phối hợp với Công ty TNHH May Tiến Thuận, Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho 1.094 lao động với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Với nghề thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên đi biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Ninh Hải, Thuận Nam phối hợp với chính quyền địa phương và Trường Đại học Nha Trang tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho 718 lao động, 100% lao động tự giải quyết việc làm sau học nghề…
Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh tuyển mới GDNN cho 45.000 người; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp nghề 6.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%. Đối với Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác quản trị; đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn nâng quy mô tuyển sinh lên 700-1.000 học sinh, sinh viên/năm; đồng thời thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác với DN, hợp tác quốc tế, phấn đấu đạt các tiêu chí trường chất lượng cao vào năm 2025.
Nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDNN trên địa bàn tỉnh thời gian tới, tại buổi làm việc mới đây với Đoàn công tác của Tổng cục GDNN, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Tổng cục GDNN tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong công tác GDNN; đồng thời sớm thẩm định, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận vào các trường được hỗ trợ để đầu tư nhằm đáp ứng đủ điều kiện công nhận vào danh sách các trường cao đẳng chất lượng cao trong thời gian tới; đề nghị xem xét cho Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận thành lập Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề; tạo điều kiện hỗ trợ nhà giáo giảng dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN được đi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài để cập nhật kiến thức mới, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy, GDNN cho người học…
Lâm Anh