Luật Bầu cử Quốc hội và Luật bầu cử Hội đồng nhân dân (sửa đổi) của nước ta cho phép người có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có quyền vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri và qua các phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo với cử tri dự kiến thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Do đó, UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang... trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri.
Các cơ quan thông tin đại chúng ở các địa phương có trách nhiệm đưa tin về tình hình vận động bầu cử trong phạm vi toàn tỉnh, về hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên và đăng tải các nội dung phỏng vấn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND một cách bình đẳng, đúng pháp luật, công bằng giữa những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Đông đảo cử tri xã Ma Nới xem danh sách cử tri được niêm yết.
Trong vận động bầu cử, trọng tâm trước hết là các ứng cử viên phải đưa ra chương trình hành động xúc tích, có sức thuyết phục đối với cử tri. Chương trình hành động của các ứng cử viên phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực, có tính khả thi cao, phải thể hiện được trình độ am hiểu pháp luật để xây dựng luật và năng lực giám sát của mình đối với hoạt động của các cơ quan hành pháp. Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cần được cử tri đối thoại trong các buổi tiếp xúc vận động tranh cử. Các ứng cử viên là công chức nhà nước cần công khai tài sản cá nhân để cử tri có căn cứ thẩm định mức độ trong sạch. Các ứng cử viên nếu là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khóa trước tái cử, cần báo cáo với cử tri những hoạt động của mình trong nhiệm kỳ vừa qua. Những ứng cử viên lần đầu cần báo cáo những việc đã làm trên cương vị công tác của mình...để cử tri đánh giá khả năng...
Các ứng cử viên cần công khai trình độ học vấn, ngoại ngữ, chính trị để giúp cử tri có thêm căn cứ lựa chọn chính xác. Các ứng cử viên cần có cam kết nếu đắc cử sẽ dành thời gian tiếp dân, lắng nghe và phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; có tiếng nói mạnh mẽ góp phần quan trọng trong giải quyết những vấn đề “quốc kế, dân sinh” bức xúc, nóng bỏng; quan tâm đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề oan khuất (nếu có) của công dân mà mình biết hoặc cử tri khiếu tố; các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri giữa ứng cử viên và cử tri để vận động bầu cử cần tạo ra một không khí thật sự dân chủ, trao đổi thẳng thắng, cởi mở giữa ứng cử viên với cử tri mang tính xây dựng cao.
Thi hành Điều 52- Luật Bầu cử Quốc hội và Điều 46- Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân; các văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho các xã, phường, thị trấn và hướng dẫn cho các ứng cử viên xây dựng chương trình hành động, tổ chức tập huấn kỹ năng cho những người chủ trì các hội nghị tiếp xúc; tổ chức gặp mặt giữa các ứng cử viên với Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQVN để thống nhất lịch tiếp xúc cử tri. Trước khi tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri cần tiến hành thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở khu vực tổ chức hội nghị.
MTTQVN các cấp cần góp phần đề phòng hiện tượng của một số ứng cử viên tự vận động bầu cử không lành mạnh, không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng bất lợi đến ứng cử viên khác. Một trong những điều quan tâm của công luận, của cử tri là người được bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND sẽ thực hiện như thế nào về những điều hứa hẹn và chương trình hành động mà họ đã đề ra khi vận động bầu cử. Lời hứa của các ứng cử viên sẽ là căn cứ để cử tri giám sát việc làm của các ứng cử viên đó khi đã được bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của mình - lời nói phải đi đôi với việc làm.
Ca Dá Noan- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh