* Hỏi: Toàn tỉnh Ninh Thuận có bao nhiêu đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV?
Đáp: Ngày 3-3-2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-HĐBCQG ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử của tỉnh Ninh Thuận đã được Hội đồng Bầu cử Quốc gia ấn định như sau:
Số đơn vị bầu cử là 2. Số ĐBQH được bầu là 6. Theo đó:
- Đơn vị bầu cử số 1 gồm: Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải và huyện Thuận Bắc. Số ĐBQH được bầu là 3.
- Đơn vị bầu cử số 2, gồm các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn Thuận Nam và Ninh Phước. Số ĐBQH được bầu là 3.
* Hỏi: Trường hợp số dân dùng để tính số lượng đại biểu HĐND được bầu ở mỗi đơn vị hành chính còn dư thì có được làm tròn số không?
- Đáp: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 và Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11-1-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cụ thể nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND đối với từng loại đơn vị hành chính: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn căn cứ vào dân số, đặc điểm (miền núi, vùng cao, hải đảo) và số lượng đơn vị hành chính trực thuộc. Chẳng hạn:
- Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu.
- Huyện không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.
- Phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu; phường có trên 10 nghìn dân thì cứ thêm 5.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu.
Thực hiện đúng các quy định nêu trên thì nếu số lượng dân tăng thêm (so với mức chuẩn đầu tiên) ở 1 đơn vị hành chính đáp ứng đủ điều kiện để bầu thêm 1 đại biểu thì mới được tính thêm 1 đại biểu vào tổng số đại biểu HĐND được bầu ở đơn vị hành chính đó (tức là không có việc chia bình quân và làm tròn số). Ví dụ: tại phường X có tổng số dân là 14.000 người thì số đại biểu HĐND phường được bầu vẫn chỉ là 21 đại biểu bởi số dân tăng thêm so với tiêu chuẩn 10.000 dân chỉ có 4.000 người (thấp hơn mức 5000 dân để được tăng thêm 1 đại biểu theo quy định của Luật). Tại tỉnh Y có dân số là 1.541.829 người (tính đến thời điểm ngày 31-12-2020), căn cứ theo quy định của Luật sẽ được bầu 50 đại biểu HĐND cấp tỉnh ứng với 500.000 dân đầu tiên và thêm 20 đại biểu ứng với 1.000.000 dân tiếp theo (50.000 người x 20 lần); số dân còn lại là 41.829 người ít hơn 50.000 người, chưa đủ để bầu thêm 1 đại biểu nên không được tính nữa. Như vậy, tổng số đại biểu HĐND tỉnh Y nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu là 70 đại biểu.
Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy