* Hỏi: Quyền bầu cử là gì? Quyền ứng cử là gì?
- Đáp: Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật trong việc được lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.
Quyền ứng cử là quyền cơ bản của công dân khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND.
Điều 27 của Hiến pháp và Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH, HĐND các cấp.
* Hỏi: Tại sao nói bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân?
- Đáp: Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Thông qua bầu cử, công dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Vì vậy, thực hiện bầu cử là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
* Hỏi: Việc bầu cử đại biểu QH, HĐND được tiến hành theo những nguyên tắc nào?
- Đáp: Theo quy định tại Điều 7 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, việc bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
- Nguyên tắc bầu cử phổ thông.
- Nguyên tắc bình đẳng.
- Nguyên tắc bầu cử trực tiếp.
- Nguyên tắc bỏ phiếu kín.
* Hỏi: Quyền miễn trừ đối với đại biểu HĐND được quy định như thế nào?
- Đáp: Đại biểu HĐND có quyền miễn trừ khi làm nhiệm vụ. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu HĐND, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu HĐND nếu không có sự đồng ý của HĐND hoặc trong thời gian HĐND không họp, không có sự đồng ý của Thường trực HĐND. Trường hợp đại biểu HĐND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để HĐND hoặc Thường trực HĐND xem xét, quyết định.
Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy