Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đài Truyền hình Việt Nam phải có chiến lược và tầm nhìn mới

Sáng nay, 23/3, trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho ông Lê Ngọc Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra một số nhiệm vụ và câu hỏi lớn cho thế hệ lãnh đạo mới của Đài như 5 năm, 10 năm tới, VTV sẽ ở thứ bậc nào trong ASEAN và ở châu Á hay phát triển thế nào trước sự cạnh tranh của các “Grab trong lĩnh vực truyền hình”…

Tại buổi lễ, đặt ra một số nhiệm vụ và cũng là câu hỏi lớn cho thế hệ lãnh đạo mới của Đài Truyền hình Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phương hướng, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. “Vậy kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam tới đây là như thế nào”.

Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho ông Lê Ngọc Quang - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhắc lại ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của VTV vào tháng 11/2019 là xác định Đài là một trong những “thành trì bảo vệ chủ nghĩa xã hội” ở nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khi mỗi phóng viên sản xuất tin, phóng sự, hay các chương trình chính luận phải luôn ý thức trách nhiệm định hướng dư luận theo dòng chủ lưu của đất nước, khơi dậy và lan tỏa khát vọng phát triển, để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết, thống nhất trong hành động, chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng.

Đài phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời phổ biến, cổ vũ, động viên trong tổ chức thực hiện và góp ý, phản biện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách đó.

“Đối với các chương trình về giáo dục, giải trí hay phim truyền hình, các đồng chí phải luôn ý thức trách nhiệm nâng cao dân trí, bồi đắp tình yêu thương con người, tình yêu Tổ quốc và đạo đức xã hội”, Thủ tướng nói. Tuyệt đối không chỉ chạy theo thị trường mà cho ra đời những tác phẩm không mang tính giáo dục, hay quá hư cấu các mối quan hệ trong gia đình, nhà trường và xã hội, khiến người xem truyền hình, nhất là giới trẻ mất niềm tin vào cuộc sống.

Đài Truyền hình Việt Nam đã thành công trong chuyển đổi công nghệ từ analog sang công nghệ số. Cơ sở vật chất của Đài đã thay đổi toàn diện. Tuy nhiên, câu hỏi của Thủ tướng là 5 năm, 10 năm tới, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ ở thứ bậc nào trong ASEAN và ở châu Á. Nhất là trong bối cảnh nguồn thu của Đài từ quảng cáo không còn được bảo đảm như những năm trước, do sự cạnh tranh về nội dung, khán giả và doanh thu quảng cáo từ các nền tảng dịch vụ truyền hình trên internet.

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Nghị định 34/2020, Đài được phép thành lập Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hiệu quả tạo ra chưa cao. Còn các kênh quảng bá khác, ngoài VTV1 đang bị sụt giảm lớn nguồn thu. Trong khi đó, nhiều cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đang hàng ngày sản xuất một số lượng không nhỏ tin tức, phóng sự, video clip và cả phim tài liệu, để đưa lên các nền tảng truyền hình trên internet. Những sản phẩm này hàng ngày thu hút được nhiều khán giả và đem lại nguồn thu lớn cho các cá nhân, tổ chức. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp viễn thông không sản xuất các sản phẩm truyền hình, nhưng nhiều năm trở lại đây đã phát triển các nền tảng dịch vụ truyền hình trả tiền đang thu hút càng ngày càng nhiều thuê bao, cạnh tranh trực tiếp với Đài Truyền hình Việt Nam. Đây có thể coi là “Grab trong lĩnh vực truyền hình”.

“Từ thực tế này, không còn cách nào khác, Đài Truyền hình Việt Nam phải có một chiến lược và tầm nhìn mới, sát thực tiễn và khả thi để khai thác được hết những lợi thế trên không gian mạng, như Netflix là dịch vụ phát trực tuyến các loại chương trình truyền hình và phim đang có hàng tỷ thuê bao ở 130 nước trên thế giới”, Thủ tướng nói. VTV đã có một số nền tảng truyền hình trên internet, nhưng còn manh mún, dàn trải và chưa tập trung nên chưa mang lại hiệu quả. Nếu phát triển từ sớm và đúng hướng, vị thế và vai trò của Đài trên không gian mạng đã được khẳng định như trên các làn sóng, nguồn thu từ thuê bao trả tiền và các dịch vụ giá trị gia tăng sẽ tạo thêm nguồn thu ổn định cho Đài, bên cạnh nguồn thu từ quảng cáo.

“Là đài truyền hình quốc gia, các đồng chí phải đóng vai trò chủ chốt trong việc khẳng định vai trò và vị trí của mình trên cả các làn sóng, trên không gian mạng, cũng như đưa chiếc ti vi thông minh trở thành “trung tâm thông tin” đa phương tiện của mỗi ngôi nhà thông minh ở Việt Nam trong tương lai”. Có như vậy, Đài truyền hình Việt Nam mới tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh của mình.

Thủ tướng nêu rõ, trong chiến lược phát triển, phải đặt ra mục tiêu 5 năm, 10 năm tới, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ mấy trong ASEAN hay ở châu Á và đến khi nào kênh VTV4 sẽ trở thành một kênh truyền hình có tầm ảnh hưởng ở khu vực và thế giới như MediaCorp của Singapore, CGTN của Trung Quốc, hay RT của Liên bang Nga. Nếu làm được như vậy, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ góp phần rất lớn vào việc chủ động đưa thông tin, hình ảnh của Việt Nam ra khu vực và thế giới, tương xứng với vai trò, vị thế của đất nước gần 100 triệu dân.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Để thực hiện được những nhiệm vụ này, Đài Truyền hình Việt Nam phải quan tâm hơn nữa tới việc tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ phóng viên, biên tập viên, quay phim và kỹ thuật viên giỏi về trình độ chuyên môn, vững vàng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, cùng với những nhà quản lý giỏi. Đây là một việc khó do truyền hình là lĩnh vực tổng hợp cả về tư tưởng, truyền thông, kinh tế báo chí và kỹ thuật.

Thủ tướng nhắc lại, nửa thế kỷ trước, từ chiếc camera “ngựa trời”, các cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Vô tuyến truyền hình Việt Nam đã mở đầu sứ mệnh của của đài truyền hình quốc gia. Còn cách đây 25 năm, tất cả chúng ta ngồi đây vẫn xem truyền hình bằng những chiếc ti vi có độ dầy gấp hàng chục lần bây giờ, còn các quay phim ghi hình bằng những chiếc camera với một người đeo thiết bị đi sau. Lúc đó, không ai tưởng tượng được chúng ta sẽ được xem tin tức và các chương trình truyền hình qua những chiếc ti vi thông minh như bây giờ và cũng không ai mường tượng Đài Truyền hình Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. “Tôi nói điều này là để các đồng chí tự hào với truyền thống hơn nửa thế kỷ qua để vững tin đi tới tương lai, thông qua việc xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển với các mục tiêu cụ thể như: Vào năm 2030, khi Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao, thì Đài Truyền hình Việt Nam đứng thứ nhất hay thứ nhì về trình độ và uy tín ở khu vực”, Thủ tướng chia sẻ và kỳ vọng, sau 1 phần 4 thế kỷ nữa, tức vào năm 2045, khi Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ là một trong 5 đài truyền hình có tên tuổi và uy tín của châu Á.

Thủ tướng bày tỏ niềm tin vững chắc rằng, tới đây Đài Truyền hình Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn trước mắt và sẽ có bước phát triển mới, xứng đáng với vai trò, vị thế đài truyền hình quốc gia của một đất nước có lịch sử văn hóa hào hùng, có dân số gần 100 triệu dân.

Theo www.chinhphu.vn