Không có ca mắc mới, Việt Nam đã có hơn 24 nghìn người tiêm vắc xin
Sau hơn một năm triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành và sự tin tưởng, ủng hộ của toàn dân, Việt Nam đã 3 lần kiểm soát thành công các đợt dịch bùng phát.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 18-3-2021, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 2.567 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi 2.198 bệnh nhân. Tính từ 18 giờ ngày 17-3 đến 6 giờ ngày 18- 3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
10 tỉnh, thành phố đã 33 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh. Hà Nội, đã 29 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Như vậy là đến thời điểm này, Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn dịch COVID-19 và trong cả ba giai đoạn, Việt Nam đều kiểm soát tốt. Ðây là cơ sở để các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trong trạng thái bình thường mới, giúp nền kinh tế từng bước hồi phục. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này, một bộ phận không nhỏ người dân có dấu hiệu chủ quan. Vẫn còn nhiều người dân vẫn chủ quan với dịch bệnh, nhất là việc không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ít sử dụng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh tay.
Các nhà khoa học đều nhấn mạnh rằng: Việc chủ quan không áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi đến nơi công cộng sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Để giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch, COVID-19, chung sống an toàn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển, tất cả các cấp, các ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan. Mỗi người dân cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
Phải thích nghi với trạng thái bình thường mới, coi việc thực hiện các biện pháp phòng dịch là điều hiển nhiên, bắt buộc phải làm bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Chỉ như thế mới có thể sống chung với dịch bệnh, không chỉ vì sức khỏe của cá nhân, cộng đồng mà còn để tạo tiền đề, cơ sở cho việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, dân tộc.
Thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho hay, ngày 17-3 có thêm 3.359 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19. Như vậy, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 24.054 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Những bài học kinh nghiệm kiểm soát dịch thành công của Việt Nam
Với tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân được đặt lên hàng đầu, Việt Nam sáng tạo ra nhiều cách phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Nỗ lực phòng, chống COVID-19 của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ca ngợi và xem là hình mẫu để học hỏi.
1. Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội trong công tác phòng, chống dịch.
2. Triển khai sớm, chủ động với biện pháp chống dịch xuyên suốt các giai đoạn: “Chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả”
3. Thực hiện “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), chú trọng vai trò chủ động của chính quyền các địa phương
4. Chủ động cung cấp thông tin chính xác, tạo nên chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch rất hiệu quả
5. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch; trong đó, có nhiều biện pháp đỏi hỏi có sự quyết tâm rất cao, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cả nước
6. Chủ động và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, hợp tác và hỗ trợ phòng, chống dịch
7. Ngành y tế phát huy sức mạnh tổng hợp toàn ngành, huy động chi viện chưa từng có tiền lệ về người, vật tư, kỹ thuật… để chặn đứng dịch bệnh ở những “điểm nóng” bùng phát như Đà Nẵng, Hải Dương...
8. Chủ động về hậu cần bao gồm: trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao; nghiên cứu và sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, máy thở; sản xuất và đang thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19…
9. Thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.
Theo TTXVN