Theo báo cáo của Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, qua 5 năm triển khai Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu GDNN- Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, nhà trường đã được đầu tư xây dựng nhà xưởng khang trang, mua sắm thiết bị hiện đại; cử 380 lượt cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng trong và ngoài nước. Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được cải thiện. Hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức-GIZ trong lĩnh vực đào tạo; triển khai dự án hợp tác với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản-JICA về hỗ trợ đào tạo giáo viên trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng. Tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trình độ đào tạo giai đoạn 2016-2020 là 6.987 người; số sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình hằng năm trên 80%. Trong giai đoạn 2021-2025, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác quản trị; nâng quy mô tuyển sinh lên 700-1.000 học sinh, sinh viên/năm; đồng thời thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, phấn đấu đạt các tiêu chí trường chất lượng cao vào năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Đối với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016-2020 về cơ bản đã thực hiện đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển GDNN. Trên địa bàn tỉnh đã tuyển mới và dạy nghề cho 45.705 người, đạt 109% kế hoạch, tăng 5% so với giai đoạn trước. Trong đó, số lao động nông thôn được đào tạo nghề là 13.971 người, đạt 107% so với kế hoạch. Tỷ lệ lao động nông thôn được doanh nghiệp tuyển dụng, tự tạo việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học để tự tạo việc làm, thành lập tổ nhóm sản xuất, nhận gia công hàng hóa tại nhà hoặc nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp là 11.600 người, đạt 83,03%. Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh dự kiến tuyển mới GDNN cho 45.000 người; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp nghề 6.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ 33%.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm của Tổng cục GDNN, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) đã hỗ trợ tỉnh trong đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động GDNN thời gian qua. Đồng chí giới thiệu tới Đoàn công tác 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột, cũng như tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh và mong muốn Tổng cục GDNN tiếp tục quan quan tâm hỗ trợ tỉnh trong công tác GDNN, bổ sung Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận vào danh sách các trường cao đẳng chất lượng cao để hỗ trợ đầu tư trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đánh giá cao công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, cũng như công tác phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về GDNN; quan tâm làm tốt công tác đào tạo mới, đào tạo lại cho người lao động; phân luồng học sinh sau THCS; đồng thời đẩy mạnh lĩnh vực chuyển đổi số trong GDNN. Đối với đề xuất bổ sung Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận vào danh sách các trường cao đẳng chất lượng cao, đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nhà trường nghiên cứu các tiêu chí, liên hệ với các đơn vị chức năng thực hiện kiểm định ngoài và tuân thủ các yêu cầu về kiểm định chất lượng GDNN giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 496/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đồng thời chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, hệ thống quản trị nhà trường để có cơ sở đánh giá…
Lâm Anh