Chăm sóc tốt người khuyết tật

(NTO) “Thương người như thể thương thân” vốn là đạo lý truyền thống của dân tộc ta và ở từng trường hợp cụ thể đạo lý đó được phát huy một cách thiết thực. Đối với người khuyết tật cũng vậy, trong những năm qua cùng với cả nước, phong trào toàn dân chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được phát triển sâu rộng với nhiều hình thức như: tổ chức các lớp dạy nghề; tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật; tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia các hoạt động thể thao như Hội thao người khuyết tật toàn quốc; hỗ trợ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông… Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội nói chung đã từng bước giúp cho không ít người khuyết tật làm chủ được cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần…

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy đây đó vẫn còn tình trạng thiếu sự quan tâm đầy đủ đến người khuyết tật ở một số địa phương và ngay gia đình của người khuyết tật. Sự đối xử thiếu bình đẳng với người khuyết tật vẫn còn xảy ra… Những xử sự như vậy đã làm cho một số người khuyết tật tự ti, mặc cảm và hệ quả là thiếu ý chí, nghị lực để vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Để bảo vệ và chăm sóc tốt người khuyết tật, trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành liên quan và các địa phương thực hiện tốt và kịp thời chế độ trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khuyến khích hình thành các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật; vận động thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân để nuôi dưỡng đối tượng xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng. Mặt khác, tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật hình thành các tổ chức tự lực và hoạt động có hiệu quả, qua đó giúp người khuyết tật tự vươn lên hòa nhập với cộng đồng…

Tin rằng, bằng những chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước cộng với sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội, người khuyết tật trong tỉnh sẽ ngày càng tự tin phấn đấu xây dựng cuộc sống tốt hơn.