Với bờ biển dài 22 km, xã Phước Dinh (Thuận Nam) có 4/5 thôn nằm dọc theo biển: Sơn Hải 1, Sơn Hải 2, Từ Thiện và Vĩnh Trường. Để ngăn chặn sự tàn phá của triều cường ở vùng biển này, đặc biệt là tại các thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2, những năm qua tỉnh đã đầu tư xây dựng kè bảo vệ thôn Sơn Hải. Đây là công trình hạ tầng thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với sinh kế người dân địa phương.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, trên cơ sở kè hiện hữu dài 310,28 m, được tỉnh giao làm chủ đầu tư, năm 2020, Chi cục tiếp tục đầu tư xây dựng kéo dài kè ở 2 đoạn, trong đó đáng chú ý là đoạn kéo dài bảo vệ bờ biển phía nam, nối từ cuối kè hiện hữu đến hết khu tái định cư với chiều dài khoảng 490 m (thuộc địa bàn thôn Sơn Hải 2). Đến nay việc thi công công trình vẫn thuận lợi, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021 theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên cũng từ xây dựng kè, đã phát sinh vấn đề mới. Trước tết Nguyên đán vài ngày, tại một khu vực gần công trường thi công kè đã xảy ra vụ tranh chấp đất đai, gây bất ổn trật tự xã hội. Theo những người dân nuôi trồng thủy sản trong vùng, vào 14 giờ ngày 2-2-2021, có một nhóm khoảng 20-30 người đến khu vực này đe dọa, đập phá máy bơm mước, chặt cắt dây điện và nhổ các trụ đỡ dây dẫn điện đến giếng, làm hư hỏng nặng hệ thống bơm giếng khoan của 4 hộ. Tiếp đó họ còn trồng các trụ sắt làm ranh giới, dự định sẽ rào lại và ngăn chặn người nuôi thủy sản đặt giếng khoan.
Khu vực gần công trường thi công kè Sơn Hải, nơi có các máy bơm di dời vào.
Ông Nguyễn Văn Toàn, (SN 1959, cư ngụ thôn Sơn Hải 2), người có giếng khoan bị đập phá nói trên, bức xúc cho biết: “Các giếng khoan này đều nằm trên bãi cát có địa danh Ông Thần-Đầu Voi, vốn là đất hoang ven biển do UBND xã quản lý, bỗng dưng có một phụ nữ kinh doanh du lịch (cư ngụ Tp Phan Rang-Tháp Chàm) và một người đàn ông (trước đây ở địa phương) đến nhận là đất của mình, ép chúng tôi phải dời máy bơm khỏi bãi cát này”. Theo ông Nguyễn Văn Kim, (SN 1963, cư ngụ cùng thôn Sơn Hải 1) và một số người có đìa nuôi thủy sản tại đây, từ năm 2004 để lấy nước mặn dùng cho nuôi tôm, họ khoan tổng cộng 9 giếng lấy nước. Đến năm 2009, do dịch bệnh thua lỗ họ ngưng nuôi tôm, chuyển sang hợp đồng cung cấp nước mặn từ các giếng cho Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Khang Thạnh và sau này (năm 2013) là Công ty TNHH MTV Châu Cầu để nuôi ốc hương thương phẩm. Năm 2020, do yêu cầu trả lại mặt bằng để thi công kè Sơn Hải, họ được chủ đầu tư hỗ trợ (mỗi hộ 5 triệu đồng) di dời giếng khoan lùi vào khu vực giáp với vùng nuôi trồng thủy sản.
Khu vực lùi vào xưa nay chỉ có cát nóng, không cây trồng nào mọc được, nên khi xảy ra tranh chấp, các hộ có giếng khoan không chấp nhận đây là đất thuộc quyền sử dụng của của người phụ nữ nói trên. Riêng 4 hộ bị đập phá tài sản, qua kiểm tra, mức thiệt hại của ông Nguyễn Văn Toàn là 1,8 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Kim là 3,5 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Thanh (SN 1974, thôn Sơn Hải 1) là 1,2 triệu đồng và anh Nguyễn Thanh Phi (SN 1991, cùng thôn) là 1,6 triệu đồng. Cả 4 hộ đã làm đơn tập thể phản ánh vụ việc, kiến nghị UBND xã xem xét và giải quyết. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh, chia sẻ: “Nguyên nhân tranh chấp trên là bởi khu vực này sau khi giao chủ đầu tư và nhà thầu làm kè, xã chưa kịp đo đạc lại đất các hộ gần bên, việc quản lý đất đai còn thiếu chặt chẽ nên sắp tới sẽ khắc phục. Đối với vụ việc xảy ra, xã đã thụ lý và giao cho Công an xã xác minh, giải quyết”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực tranh chấp trên không ảnh hưởng tới đất công trình xây dựng kè Sơn Hải, hiện nay việc thi công vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên trước hành vi đập phá của nhóm người trên, đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho các hộ nuôi trồng thủy sản tại đây, nhất là với 4 hộ có tài sản bị thiệt hại. Vì vậy rất mong các cấp chính quyền, Công an địa phương sớm làm rõ nguồn gốc đất đai, nguyên nhân tranh chấp, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại khu vực gần kè Sơn Hải; ngăn ngừa trước các tình huống xấu xảy ra có thể làm chậm tiến độ thi công công trình.
Bạch Thương