Đề án chia thành 2 giai đoạn: 2020-2023 là giai đoạn đối mặt và thích ứng với các tác động của COVID-19 gắn với mục tiêu phục hồi ngành du lịch tỉnh; giai đoạn 2023-2025: Phát triển đạt được mục tiêu “Cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”- Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; với tổng vốn đầu tư 238 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hoá 226 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đón 3,6 triệu lượt khách vào năm 2025, đề án tập trung chính vào việc củng cố và phát triển thị trường du lịch nội địa; giai đoạn 2024-2025, mở rộng khôi phục thị trường quốc tế truyền thống như: Nga, Đông Âu…Về sản phẩm du lịch, đề án tập trung vào các sản phẩm du lịch truyền thống (du lịch biển, du lịch văn hoá,…) theo hướng đa dạng hoá nội dung và nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch có tiềm năng như du lịch nông nghiệp, du lịch khám phá, du lịch thể thao và sự kiện…
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp thông qua Đề án Phát triển du lịch tỉnh, giai đoạn 2020-2025.
Phát biểu kết luận tại buổi họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc xây dựng đề án không chỉ đưa ra các định hướng phát triển du lịch khả thi, các định hướng khai thác tài nguyên toàn diện và độc đáo, bổ sung các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn cho tỉnh nhà mà còn là cơ sở để chính quyền địa phương quản lý, kêu gọi và thu hút đầu tư phát triển du lịch tỉnh. Để đề án phát huy hiệu quả, đồng chí yêu cầu các cơ quan chủ trì phải thực sự tâm huyết, trăn trở, hội tụ được trí tuệ, tâm sức, bảo đảm khi tổ chức thực hiện được người dân và du khách đón nhận, hưởng ứng, trở thành động lực cho sự phát triển. Đồng chí yêu cầu đơn vị tư vấn cần rà soát lại một số nghị quyết đã ban hành của tỉnh, tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương, nghiên cứu, bổ sung những nội dung đã thảo luận sớm hoàn chỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Chú trọng cân đối nguồn lực đầu tư giữa tỉnh, địa phương và xã hội hóa; nâng tầm và chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các thị trường có thế mạnh; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao…Đối với địa phương, phải xác định được chính sách cụ thể cho từng loại hình du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, phát triển sản phẩm du lịch mới theo hướng đa dạng hóa, kết nối với các tỉnh, thành trong liên kết vùng, khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch thông minh, hướng tới phát triển bền vững.
Xuân Nguyên