Cụ thể, đối với nội dung “Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng”, Mặt trận phối hợp với chính quyền, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường giúp đỡ nhau về vốn, con giống, kinh nghiệm sản xuất, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi và hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, Mặt trận, chính quyền, đoàn thể giới thiệu cho Nhân dân, đoàn viên, hội viên được tham gia vay các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và vốn quỹ của các đoàn thể; gắn việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất, buôn bán… với công tác giảm nghèo bền vững. Kết quả từ năm 2016 đến 2020, các cấp Mặt trận từ thành phố đến cơ sở đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được gần 7,5 tỷ đồng, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ xây mới, sửa chữa 155 nhà Đại đoàn kết và các hoạt động khác. Nhờ đó, đã giúp được 62 hộ nghèo thiếu hụt các tiêu chí (như nhà ở, vốn chăn nuôi, buôn bán, tư liệu sản xuất…) đủ tiêu chuẩn để thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo thành phố từ 3,58% đầu năm 2016 xuống còn 1,62% cuối năm 2020.
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng phát triển. Ảnh: V.M
Đối với nội dung “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái”, đến nay, thành phố có 95,6% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 115/115 thôn, khu phố đạt danh hiệu “Khu phố văn hoá”, 11/15 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 1 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt mức độ 3 phổ cập giáo dục tiểu học, đạt mức độ 1 phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ; công tác y tế, dân số-kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, triển khai có hiệu quả với 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đặc biệt, từ việc triển khai có hiệu quả CVĐ, các cấp Mặt trận, chính quyền, đoàn thể thành phố đã khơi dậy, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thông qua việc vận động các doanh nghiệp, Nhân dân, nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” gần 1,8 tỷ đồng, giúp đỡ đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng xây dựng, sửa nhà ở, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, thành phố không còn hộ chính sách, gia đình có công với cách mạng thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”, trong 5 năm qua, Mặt trận các phường, xã cũng đã phối hợp với chính quyền vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm, cơ sở tôn giáo ủng hộ, trao tặng trên 61.700 suất quà trị giá trên 10,9 tỷ đồng giúp người nghèo, người khó khăn có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài những kết quả nêu trên, ở các nội dung khác như: Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”; đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh… cũng được triển khai nghiêm túc, khá đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức, sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Những kết quả đạt được đã thể hiện vai trò quan trọng của các cấp Mặt trận, đoàn thể thành phố trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhất là việc tuyên truyền, vận động thành lập, duy trì những cách làm mới, mô hình tiêu biểu trong triển khai thực hiện CVĐ. Tin rằng, từ những kết quả đạt được và việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, thời gian tới, CVĐ trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng đô thị ngày càng văn minh, tiến bộ.
Lâm Anh