Chuyển biến tích cực từ đề án xây dựng xã hội học tập

Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012-2020”, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Xây dựng XHHT tỉnh đã tổ chức các cuộc họp triển khai công tác, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập BCĐ cấp huyện và xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, mang lại chuyển biến tích cực.

Theo đó, 100% các huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và tổ chức thực hiện. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, tích cực trong công tác tham mưu cho cấp ủy, UBND trong việc đề ra những chủ trương, chính sách, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, tổ chức, đoàn thể cùng cấp, thiết lập cơ chế kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ hằng năm để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Đề án tại địa phương. Các tổ chức, đoàn thể như: Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… phát huy tích cực vai trò liên kết, phối hợp các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia vào các hoạt động xây dựng XHHT, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (XMC) tại các địa phương, đơn vị.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen cho học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2020-2021.

Nhằm thúc đẩy công tác xây dựng XHHT ngày càng phát triển, từ năm 2018 đến nay, nhiều địa phương đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cho việc thực hiện các hoạt động của Đề án. Trong đó, huyện Ninh Phước bố trí 730 triệu đồng; huyện Thuận Nam 117 triệu đồng; Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 147 triệu đồng; huyện Thuận Bắc 180 triệu đồng... Cùng với đó, BCĐ Xây dựng XHHT và Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp vận động, thu hút nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp, cộng đồng, đoàn thể chăm lo, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và khen thưởng học sinh đạt thành tích khá-giỏi trong học tập. Điển hình như huyện Ninh Phước (từ năm 2012 đến 2019) đã vận động được trên 2,9 tỷ đồng tiền quà cho học sinh, các cơ quan đoàn thể đóng góp 266 triệu đồng vào Quỹ Khuyến học huyện, các doanh nghiệp đóng góp trên 8,3 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học xã và các trường học; huyện Ninh Sơn vận động trên 2,7 tỷ đồng; huyện Bác Ái gần 640 triệu đồng. Các chương trình, dự án như: Giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135… đều thực hiện lồng ghép vào các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng XHHT, từ đó cũng tranh thủ được các nguồn vốn này để hỗ trợ cho công tác xây dựng XHHT tại các địa phương.

Nhờ đẩy mạnh, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Đề án, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh duy trì chuẩn XMC ở mức độ 1, nâng chuẩn XMC mức độ 2 đối với 2 huyện; có 84,1% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 63,3% CBCCVC có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 31,3% CBCCVC có trình độ ngoại ngữ bậc 3; 99,7% CBCCVC cấp tỉnh, 100% CBCCVC cấp huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; số công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương đạt 58,3%… Trong 5 năm (2015-2020), toàn tỉnh có 70.841 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, đạt 43,4%; có 237 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập” đạt 40,2%; 272 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập”, đạt 67,7%; 204 đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập”, đạt 72,3%. Đặc biệt, thông qua công tác xây dựng XHHT, XMC đã xuất hiện nhiều dòng họ, cá nhân có hoạt động thiết thực, hiệu quả, được các cấp chính quyền đánh giá cao. Điển hình như dòng họ Thanbi Răk (xã Phước Nam, Thuận Nam) gây Quỹ Khuyến học đến nay khoảng 700 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, vào dịp tết đến, xuân về, dòng họ tổ chức họp mặt, khen thưởng con cháu đạt thành tích cao trong học tập, công tác, ôn lại truyền thống hiếu học và răn dạy con cháu rèn đức, luyện tài, trở thành công dân có ích cho xã hội. Ngoài khen thưởng, dòng họ còn tạo điều kiện cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con em học đại học, cao đẳng vay vốn không lãi suất để phát triển kinh tế gia đình; tìm hiểu, động viên con cháu trở lại trường khi có ý định bỏ học; đồng thời, là “cầu nối” giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục con cháu trong dòng tộc. Hay như cô giáo Tạ Yên Thị Nhẹ, Trường TH Giá (xã Phước Hà, Thuận Nam) đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia các đợt khảo sát, vận động, tổ chức và duy trì các lớp XMC đối với đồng bào dân tộc Raglai xã Phước Hà. Việc làm thiết thực của cô đã mở ra ánh sáng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nâng cao hiểu biết, có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những kết quả đạt được từ công tác xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo điều kiện, khuyến khích người dân học tập thường xuyên, suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại để nâng cao trình độ dân trí, áp dụng vào đời sống, sản xuất, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.