“Lá chắn” vững chắc tuyến đầu
Để chủ động phòng, chống ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, CDC Ninh Thuận đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và các tổ công tác: Tổ phản ứng nhanh; Tổ Trung tâm điều hành tiếp nhận, xử lý thông tin; tổ hậu cần và các Tổ công tác chuyên môn khác nhằm thường trực đáp ứng công tác phòng, chống dịch ngay khi cần. Cùng với đội ngũ cán bộ y, bác sỹ thường trực tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, các tổ công tác CDC Ninh Thuận thường trực 24/24h để tiến hành giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly đối với các trường hợp nghi nhiễm (F1) hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan tới dịch bệnh. Bất kỳ khi nào có thông tin về những trường hợp nghi nhiễm, họ đều trực tiếp đến tận nơi để điều tra dịch tễ. Đồng thời trực tiếp tham gia, hỗ trợ, giám sát, kiểm tra chuyên môn các tuyến xã, huyện, chốt giao thông…
Đội ngũ y tế Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh CDC Ninh Thuận xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tầm soát SARS-CoV-2.
Anh Nguyễn Quang Tuyến, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, CDC Ninh Thuận, chia sẻ: Trải qua nhiều năm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, chưa có một trận dịch nào kéo dài, vất vả và nguy hiểm như trận dịch lần này, cán bộ, nhân viên y tế trong Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh luôn phải làm việc quá thời gian quy định. Có những đợt phải làm thâu đêm suốt sáng để cho kịp công tác phòng, chống dịch. Điển hình như đợt lấy mẫu giữa tháng 8-2020, khi tỉnh tiếp nhận 230 công dân Việt Nam ở Malaysia về nước và cách ly trên địa bàn tỉnh, anh em lấy mẫu xét nghiệm làm cả ngày cả đêm gần như không có thời gian nghỉ. Hay mới nhất trong đợt dịch bùng phát lần này, anh em trực 24/24h. Những bữa ăn tạm đã trở nên quá quen thuộc với anh và các đồng nghiệp CDC Ninh Thuận. “Trong những bộ trang phục kín mít, nóng bức nhưng ai cũng cố gắng tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ. Những lúc đó, dù rất mệt nhưng ai cũng phấn khởi vì kết quả xét nghiệm đã giải tỏa nỗi lo lắng cho người dân”, anh Tuyến bày tỏ.
Không riêng gì đội ngũ ở Khoa xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh, hầu như đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế CDC Ninh Thuận “ít có thời gian về nhà”. Đối với đội ngũ được phân công ở khu cách ly, họ cũng là “F cách ly”, chỉ khi nào các FO (như BN61 và BN67), các F1 hết thời gian cách ly, họ cũng mới hết cách ly. Đối với các thành ở các tổ công tác khác, ngay tiếp xúc ban đầu, dù được trang các thiết bị y tế, nhưng tiếp xúc với một dịch bệnh vô hình, để bảo vệ mình và an toàn cho người thân, gia đình, trong thời điểm căng thẳng cơ quan cũng là nhà luôn; hoặc có về nhà nhưng do đặc thù công việc nên cũng gần như cách ly với mọi người để giữ an toàn cho họ. Gian nan là thế nhưng đã xác định là một “chiến sỹ” trên mặt trận chống dịch nên mọi người động viên nhau cùng vượt qua khó khăn. Khi được hỏi những cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch của CDC, ai cũng có chung một mong muốn là “hết dịch chứ chẳng mong gì hơn”. Bởi hết dịch, cởi bỏ những bộ đồ bảo hộ, họ có thể về nhà, về với gia đình, người thân.
Vì sức khỏe người dân
Bác sỹ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc CDC Ninh Thuận, cho biết: Ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, đơn vị đã tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh ban hành các chỉ thị, kế hoạch, phương án... về phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động chuẩn bị đầy đủ hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế phòng hộ cá nhân; tham gia tiếp nhận, cách ly các ca nghi nhiễm theo đúng quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, truy vết phát hiện các trường hợp tiếp xúc F1, F2 với người nhiễm để kịp thời cách ly, giám sát, theo dõi y tế, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm mẫu đúng quy trình, đảm bảo không lây nhiễm chéo. Tổ chức khử khuẩn các cơ sở cách ly, địa bàn ghi nhận ca mắc và xử lý rác thải theo quy định phòng, chống dịch COVID-19. Chú trọng theo dõi sát sao tình hình, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng quy định.
Đặc biệt, ngay từ đầu mùa dịch năm 2020, CDC Ninh Thuận đã chủ động lấy và gửi mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm SARS-CoV-2 (qua đó phát hiện BN61 và BN67 đã được điều trị khỏi). Bước sang Quý II-2020, khi được tỉnh đầu tư hệ thống xét nghiệm Realtime-RT-PCR, cán bộ CDC đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ, làm chủ kỹ thuật và vận hành hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, CDC Ninh Thuận đã thực hiện hàng nghìn mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Điều đáng nói, lúc đầu tỉnh phải phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang trong xét nghiệm SASR-CoV-2, vừa tốn thời gian vừa lại phải chờ kết quả do Viện Pasteur Nha Trang thông báo; đến nay, CDC Ninh Thuận đã làm chủ công tác xét nghiệm và thông báo kết quả luôn, đáp ứng yên cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhanh, kịp thời trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, CDC Ninh Thuận đã đáp ứng xét nghiệp từ 300-380 mẫu phẩm/ngày, dự kiến trong thời gian đến sẽ nâng lên 800-1.000 mẫu phẩm/ngày, trong trường hợp khẩn cấp sẽ xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nhóm theo hướng dẫn của Bộ Y tế có thể từ 4.000-5.000 mẫu phẩm/nhóm/ngày, đáp ứng tình hình kiểm soát dịch tễ bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Với những nỗ lực kể trên, CDC Ninh Thuận đã góp phần cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm soát và xử lý kịp thời ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Những trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh đều đã được phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly phù hợp, hiệu quả, không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bác sĩ Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng: Mặc dù lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao nhưng tất cả cán bộ, nhân viên CDC Ninh Thuận đã đoàn kết, nhiệt tình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nói chung, đặc biệt là công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng, đóng vai trò là phòng tuyến vững chãi trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân” .
Xuân Bính