Nhưng hiện nay, ngay trong một vài nước gọi là tiên tiến, người ta đã bắt đầu thấy: Không khí có thể không bảo đảm cho hô hấp của con người, có nước mà không uống được vì những chất hóa học, đất có thể sản xuất những cây cỏ, nhưng ăn vào thì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Câu chuyện này mới được đặt ra độ 20 năm nay thôi, vì vừa qua, người ta thấy dân số trên quả đất đã tăng lên quá mức, mà con người lại làm ô nhiễm môi trường xung quanh: từ năm 1830 đến năm 1930, trong một thế kỷ số người đã tăng gấp đôi từ 1 tỷ đến 2 tỷ; nhưng trong thời gian chỉ có 32 năm, từ năm 1930 đến năm 1962, dân số cũng đã tăng gấp đôi. Trên toàn thế giới, người ta tính ra: cứ 2 giây tăng thêm 3 trẻ sơ sinh; nghĩa là thêm 90 trẻ trong một phút, 5.400 trẻ trong một giờ, 130.000 trẻ trong một ngày và 48 triệu trẻ trong một năm ( mỗi năm có 100 triệu trẻ sơ sinh, 52 triệu người chết, như thế mỗi năm tăng lên 48 triệu).
Vì vậy, muốn bảo vệ tương lai cho dân tộc ta, chúng ta cần hiểu rõ sự ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt trong giai đoạn sắp xây dựng lại đất nước cả hai miền.
Chúng tôi nói về:
- Ô nhiễm không khí.
- Ô nhiễm đất và nước, thật sự là một hệ thống.
Ô nhiễm bầu không khí
Hiện nay, ngay ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Pháp, người ta thấy xuất hiện một bệnh mà trước đây các thầy thuốc coi thường: Đó là bệnh viêm phế quản mãn tính. Vừa rồi các thầy thuốc ở Pháp đã cho biết bệnh này gây tử vong ngang hàng với bệnh nhồi máu cơ tim.
Ở Anh, các bác sỹ xếp bệnh viêm phế quản mãn tính vào thứ tư trong các bệnh gây chết cho những người quá 45 tuổi.
Hiện nay, người ta có thể chắc chắn rằng: Bệnh viêm phế quản mãn tính là do kết quả của việc hít vào thường xuyên những chất ô nhiễm không khí ở các thành thị. Ngoài ra, các bệnh suyễn cũng tăng lên một mức quá mạnh ngay ở Hà Nội chúng ta. Một số suyễn phát sinh do các ô nhiễm không khí cấu tạo ra: người ta có mô tả một hình thái lâm sàng về suyễn xuất hiện trên các người Mỹ sống ở Nhật, gọi là suyễn kiểu Tôkyô – Yokohama. Suyễn này hết ngay nếu bệnh nhân vào máy bay lên quá 5.000 feet (độ trên 1.500m) nhưng bệnh tái phát nếu máy bay trở về đất liền.
Những chất làm ô nhiễm không khí: Đó là những chất ôxít lưu huỳnh (SO¬2), mônô ôxít cácbon (CO) và các chất ô nhiễm quang hóa (oxydants photochimiques).
Các ôxít lưu huỳnh: Những chất này nằm trong khói của các thành phố đốt than. Xem qua hiển vi, đó là những chất bụi than (particule) mà người ta có thể định lượng được trong một mét khối không khí, lẫn lộn với các bụi thông thường. Kích thước của các bụi có một vai trò bệnh lý: Dưới 5 micron (1 micron = 1/1.000 mm), các bụi ấy có thể chui vào nang phổi và gây co thắt các phế quản làm tăng nhiều đờm dãi. Người ta tính rằng: Nếu nồng độ các bụi ôxít lưu huỳnh lên đến 500 microg/m3, số tử vong những người ho suyễn tăng lên cũng như số người vào bệnh viện; với mức từ 500-250 microg/m3, các triệu chứng phổi nặng thêm; với mức 100 microg/m3, các triệu chứng ho và đờm dãi xuất hiện và với mức 80 microg/m3, con người đã bắt đầu thấy khó chịu.
Các chất ấy hoạt động đi đôi với thời tiết. Thường, nếu thời tiết tốt, lớp khí quyển lạnh nằm trên khí quyển nóng và các chất bụi có thể bay lên trên để được khí quyển đào thải. Nhưng nếu đột ngột trời rét: Có thể có một lớp khí quyển lạnh bị cầm giữ gần mặt đất, dưới khí quyển nóng. Như vậy, các bụi ô nhiễm không bay lên trên và sẽ nằm tụ lại trên mặt đất và làm tăng nồng độ ô nhiễm không khí. Hiện tượng ấy gọi là đảo ngược nhiệt độ - mỗi lần đảo ngược nhiệt độ tầm nhìn xa kém đi và bệnh ho suyễn sẽ tung hoành. Năm 1952 thành phố Luân Đôn, vì một đảo ngược nhiệt độ đã thấy trong một tuần số tử vong tăng lên hơn 5.000 người.
Chất mônô ôxít cácbon (CO): Sinh ra chất này là các ôtô hay các máy chạy bằng étxăng. Người ta tính: 1.000 ôtô chạy có thể phát ra 3,2 tấn CO. Cũng nên biết rằng: Hút thuốc lá cũng làm người hút ô nhiễm chất CO.
Chúng ta biết là CP hít vào sẽ hợp với huyết sắc tố (Hb) một chất cần cho cơ thể di chuyển dưỡng khí (O2). CO có sức hòa với Hb 240 lần hơn là O2, và như thế sẽ làm giảm dưỡng khí cho cơ thể. Bình thường CO + Hb =COHb trong máu chỉ có 0,8%. Nếu chất này tăng lên 10% trong máu, bệnh nhân bắt đầu mệt mỏi và nhức đầu; từ 15 đến 20%, lao động chân tay sẽ bị giảm đi. Đối với tim, thương tổn sẽ xuất hiện nếu COHb tăng lên 6% và những huyết quản sẽ có khả năng bị sơ cứng.
Các chất ôxy đăng quang hóa. Các chất này sinh ra ở trong các đô thị do sự kết hợp các hyđrô cácbua với ôxít azốt, dưới phản ứng của ánh sáng. Các hyđrô cácbua lấy nguồn ở các hơi xả ở các ôtô. Ảnh hưởng của những chất này rất mạnh đối với phổi, nhất là đối với các cơ suyễn.
Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí, chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực, nó có thể làm hỏng môi trường tự nhiên hoặc xây dựng. Hoạt động của con người và các quá trình tự nhiên có thể gây ra ô nhiễm không khí.
Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động. Nồng độ bụi trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP.HCM vượt mức cho phép từ hai đến ba lần và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao.
Ô nhiễm không khí trong nhà và chất lượng không khí đô thị kém được liệt kê là hai trong số các vấn đề ô nhiễm độc hại tồi tệ nhất trên thế giới trong báo cáo của Viện Công nghiệp Blacksmith Institute năm 2008. Ô nhiễm không khí khiến hơn 3 triệu người chết sớm mỗi năm, nó đe dọa gần như toàn bộ cư dân thành phố lớn tại những nước đang phát triển. Theo đài Fox News 80% các thành phố trên thế giới không đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chất lượng không khí, trong đó chủ yếu tập trung ở các nước nghèo. WHO cho biết mức độ ô nhiễm không khí đô thị toàn cầu đã tăng 8% bất chấp những cải thiện ở một số vùng. Điều này dẫn đến nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư phổi cùng hàng loạt vấn đề về đường hô hấp.
Theo báo cáo năm 2018 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), giao thông vận tải đóng góp 24.34% lượng khí thải carbon mỗi năm. Xét riêng lĩnh vực giao thông vận tải, các loại ô tô hạng nhẹ, ô tô tải và ô tô bus lần lượt chiếm 44%, 27% và 6% lượng khí thải carbon mỗi năm. Các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu diesel, quá trình đốt cháy nhiên liệu dẫn tới phát sinh nhiều loại khí thải như SO2, NO2, CO, bụi (TSP, PM10, PM2.5); thậm chí rò rỉ, bốc hơi nhiên liệu khi vận hành phát sinh VOC, Benzen, Toluen...
Diễn biến chất lượng không khí từ năm 2010 đến nay cho thấy: Từ năm 2018 đến năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng hơn so với giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017. So sánh kết quả quan trắc nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013 – 2019, từ tháng 9 đến giữa tháng 12 năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đó và tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2015 - 2018. Giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2019, khu vực miền Bắc đã xảy ra một số đợt cao điểm ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí tại một số đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thời điểm ở mức xấu với chỉ số AQI từ 150 đến 200, có khi vượt 200 tương đương mức rất xấu. Nguy hại nhất là bụi mịn gồm những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung như PM2.5 (dưới 2.5 micromet), khi thẩm thấu qua đường hô hấp sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn của hàng loạt các căn bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Thy An (Tổng hợp)