Tuy nhiên do những điều kiện khách quan và chủ quan, Tuyên Quang đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư trên chặng đường phấn đấu trở thành tỉnh khá khu vực miền núi phía Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tuyên Quang có một bản sắc rất riêng, hình thành từ yếu tố lịch sử, tự nhiên và con người. Về lịch sử, các nhà khảo cổ học đã xác định Tuyên Quang là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Trong tiến trình hình thành và phát triển, Tuyên Quang một thời cũng là “phên giậu của Quốc gia”.
Miền đất hào hùng này không chỉ có bề dày lịch sử, văn hóa, với sự hiện hữu của hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ, danh lam thắng cảnh mà còn là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số. Có thể ví Tuyên Quang như một hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Việt Bắc, bởi mảnh đất này đang lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống hết sức phong phú và đặc sắc, như làn điệu then, cọi, shi, lượn, quan làng của dân tộc Tày; páo dung của dân tộc Dao; sình ca của dân tộc Cao Lan; soọng cô của dân tộc Sán Dìu…
Cùng với đó là những nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội dân gian mang nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng và đa dạng hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc, với phần lễ trang trọng, phần hội đậm đà truyền thống, như lễ hội Lồng tông (lễ hội xuống đồng) của dân tộc Tày, lễ hội cầu mùa, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Dìu, Pà Thẻn, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn…
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội; kinh tế tăng trưởng bình quân 6,45%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,57 triệu đồng/người (gấp 1,65 lần so với năm 2015). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hàng năm đều vượt và đạt dự toán được giao. Năm 2020, thu ngân sách đạt gần 2.400 tỷ đồng; tăng 61,1% so với năm 2015.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thành phố Tuyên Quang đã có những sự đổi thay “hết sức lớn lao” so với 10 năm trước - thời điểm được công nhận là đô thị loại III, phát triển toàn diện cả đô thị và nông thôn.
Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh cả thế giới và Việt Nam đang “gồng gánh” vượt qua khó khăn do COVID-19, Tuyên Quang đã có những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong những năm gần đây. Thu ngân sách vượt dự toán; đời sống nhân dân được cải thiện; văn hóa, xã hội, nhất là giảm nghèo bền vững. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển mạnh mẽ, an ninh, an toàn được bảo đảm, niềm tin của người dân không ngừng tăng lên. Toàn Đảng bộ đoàn kết, nhất trí, giàu sức sáng tạo trong vận dụng đường lối, chính sách; xác định được những bước đột phá quan trọng, nhất là giao thông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tại buổi lễ phát động Chương trình trồng một tỷ cây xanh và hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, Tuyên Quang vẫn còn là 1 tỉnh nghèo. “Bao giờ mới tự chủ được ngân sách?” để Thủ đô kháng chiến không còn hộ nghèo?, Thủ tướng đặt câu hỏi với Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Về những nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo cần sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang vào cuộc sống; để “thấm nhuần trong từng cán bộ, đảng viên”.
Gợi ý những giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Tuyên Quang, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác quy hoạch, đặc biệt là việc gìn giữ môi trường sống, môi trường xanh tại Tuyên Quang; nhất là việc gìn giữ và phát triển tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh thuộc diện cao nhất cả nước (65%).
Ngoài ra, Tuyên Quang cũng cần xác định rõ nét những lợi thế đặc trưng, nhất là kinh tế rừng, tiên phong đóng góp vào chương trình “Vì một Việt Nam xanh”; phải coi phát triển kinh tế rừng là một hướng phát triển mạnh mẽ, hướng vươn lên thoát nghèo của tỉnh. Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh việc đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng, cũng cần đảm bảo chất lượng rừng. Do đó, cần lựa chọn kỹ giống, cây trồng rừng, sao cho vừa đảm bảo phát triển kinh tế và tăng độ che phủ rừng.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Tuyên Quang sẽ làm được điều này, nhất là tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển ngành chế biến gỗ - một mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua.
Tuyên Quang phải trở thành “cứ điểm quan trọng” của ngành gỗ Việt Nam và khu vực, Thủ tướng nói và giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc; đồng thời đề nghị tỉnh tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu này cả trong các khâu sản xuất, phân phối, bán hàng và sau bán hàng; đảm bảo quyền lợi và cải thiện đời sống cho người dân.
Đi liền với đó, cùng với phát triển rừng và một số ngành nông nghiệp khác, Thủ tướng gợi ý tỉnh cần đẩy mạnh trồng các loại mía xuất khẩu và kêu gọi các nhà đầu tư tiêu thụ, đầu tư sản xuất trên địa bàn trong lĩnh vực nông nghiệp, nghề rừng.
Đề nghị tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là những lĩnh vực trọng yếu như giao thông, viễn thông, phục vụ trực tiếp nhu cầu của nhà đầu tư, Thủ tướng cũng mong muốn Tuyên Quang tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ rừng trong giới trẻ vì một tương lai xanh của Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh tập trung phát triển thành phố Tuyên Quang - Trung tâm kinh tế xã hội của tỉnh Tuyên Quang, thành phố đô thị hai bên bờ sông Lô, trung tâm giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển hạ tầng các huyện miền núi; chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Cao Thị Cơ ở tổ 8, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đặc biệt, Thủ tướng căn dặn tỉnh cần hết sức gìn giữ, phát huy nét đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn, nhất là những lời ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống đã làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tuyên Quang. Từ đó, đẩy mạnh hơn nữa phát triển ngành du lịch, dịch vụ - hướng đi rất quan trọng của Tuyên Quang.
* Nhân dịp công tác tại Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương. Đây là nơi có 183 di tích gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm giữa thế kỷ 20 khi Sơn Dương từng được mệnh danh là trung tâm căn cứ địa cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng và Thủ đô kháng chiến; là nơi ở, làm việc của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương của Đảng, Chính phủ.
* Thủ tướng cũng đã tới thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Cơ ở tổ 8, phường Tân Quang; ông Nguyễn Đình Phủng, cán bộ bị địch bắt tù đày thời kháng chiến chống Pháp năm 1953 ở tổ 5, phường An Tường (TP Tuyên Quang).
Theo TTXVN/Báo Tin tức