Về huyện Thuận Bắc trong những ngày giáp Tết, điều mà chúng tôi cảm nhận được chính là nhịp sống sôi động nơi đây. Từ trung tâm hành chính huyện, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn những cánh đồng điện gió đang quay đều tạo ra nguồn năng lượng sạch, đây là một trong những điểm nhấn quan trọng, tạo nét đột phá mới trong quá trình phát triển KT-XH ở địa phương. Từ quyết tâm, phấn đấu trở thành vùng trọng điểm về năng lượng tái tạo của tỉnh, nhiều vùng đất hoang hóa, khu vực canh tác kém hiệu quả trở nên có giá trị, các dự án điện gió, điện mặt trời đi vào hoạt động đã làm thay đổi hẳn bộ mặt kinh tế nông thôn, miền núi, hàng trăm lao động tại địa phương được tạo điều kiện việc làm ổn định, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên. Có được kết quả trên, Thuận Bắc đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo trong công tác điều hành, chỉ đạo, nâng cao vai trò phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn, các xã trong việc chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở để doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhờ đó, ngày càng có nhiều dự án năng lượng đi vào vận hành thương mại. Đón xuân mới năm nay, cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức vui mừng, phấn khởi khi dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện có công suất 256 MW, với vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng ở xã Bắc Phong chính thức đi vào vận hành thương mại vào tháng 2-2020, góp phần cung cấp khoảng 500 triệu kWh/năm vào hệ thống lưới điện quốc gia và một số dự án khác như: Điện mặt trời Trung Nam, Điện gió Công Hải… đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai, sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh trong tương lai.
Trung tâm huyện Thuận Bắc.Ảnh: Văn Miên
Cùng với năng lượng tái tạo, huyện cũng đã tập trung phát triển ngành công nghiệp có lợi thế về sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến liên tục được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng như: Nhà máy thạch rau câu Sơn Hải đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thạch và nước rau câu, đá xây dựng đạt 500.000 m3/năm, cát xây dựng 400.000 m3/năm, sản lượng xi măng 250.000 tấn/năm. Tiềm năng của huyện cũng đang được đánh thức với nhiều dự án kinh tế trọng điểm với Khu du lịch Bình Tiên, Khu công nghiệp Du Long. Đặc biệt, hoạt động du lịch trong những năm gần đây có sự chuyển biến, huyện tích cực phối hợp cùng các sở, ngành tỉnh tích cực kêu gọi các thành phần kinh tế đến tìm hiểu và đầu tư vào Khu du lịch Ba Hồ gắn với khu bùn khoáng, khu Suối Tiên, Suối Câu, công tác phục dựng các lễ hội truyền thống, sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào để phục vụ du lịch đang được quan tâm, chú trọng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, địa phương đã triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của huyện, nhiều mô hình mới có giá trị kinh tế được duy trì và liên tục mở rộng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng lên, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đến nay đạt 96,3 triệu đồng/ha. Ngành chăn nuôi cũng có nhiều bước đột phá, người dân tập trung phát triển tổng đàn gắn với quy hoạch đồng cỏ, sản phẩm gia súc, gia cầm của huyện ngày càng tạo được tiếng vang, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tiêu thụ. Năm 2018, sản phẩm heo đen và gà Thuận Bắc đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là 2 thương hiệu sản phẩm đặc thù, góp phần tạo đột phá mới trong việc nâng cao giá trị chăn nuôi trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh, chính quyền địa phương đã thực hiện hàng loạt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, bố trí những cây, con phù hợp để đầu tư phát triển, giúp người dân tăng thu nhập cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thành công đạt được trong những năm qua là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện vững bước thực hiện nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. Đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Chủ trương của huyện tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển KT-XH theo hướng nhanh và bền vững. Tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính; đẩy mạnh hỗ trợ cho chủ đầu tư hoàn các dự án điện gió, điện mặt trời, các dự án trọng điểm đang triển khai tại địa phương…
Bằng cách làm sáng tạo và linh hoạt, sự đồng hành của doanh nghiệp và Nhân dân, tin rằng Thuận Bắc sẽ tiếp tục phát triển đi lên. Mỗi mùa xuân đến, quê hương lại thêm phần giàu đẹp, cuộc sống no ấm, phồn vinh và hạnh phúc.
Hồng Lâm