Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), năm nay, bộ tiếp tục ra đề theo hướng mở để tránh tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, trong đó, 50% điểm số của đề thi mỗi môn sẽ dành cho những câu hỏi yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Với cách ra đề này, chỉ cần bám sát kiến thức cơ bản có trong chương trình, thí sinh có thể đạt yêu cầu tối thiểu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tức là đạt điểm trung bình.
Riêng với những thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, có khả năng phân tích, tổng hợp kiến thức tốt thì việc đạt điểm khá giỏi không phải là điều quá khó khăn.
Làm cả hai phần tự chọn: Phạm quy
Về cấu trúc đề thi, trừ môn ngoại ngữ, năm nay, các môn khác vẫn có hai phần, gồm phần chung (bắt buộc) và phần riêng (tự chọn). Phần bắt buộc là phần kiến thức giao thoa giữa các chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.
Phần tự chọn được ra theo kiến thức chương trình chuẩn hoặc nâng cao, thí sinh chọn một trong hai phần tự chọn, nếu thí sinh làm cả hai phần tự chọn thì sẽ phạm quy, không được tính điểm phần này. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên sẽ có đề thi tốt nghiệp riêng, không có hai phần bắt buộc và tự chọn mà chỉ có một phần chung.
Về hướng dẫn ôn tập đối với thí sinh, ông Trần Văn Nghĩa cho biết việc ôn tập cần tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chú trọng việc giúp học sinh thông hiểu và vận dụng kiến thức. Giáo viên chủ nhiệm lớp cũng cần lưu ý phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh theo khả năng nhận thức, tập trung ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu.
Mỗi tỉnh một đoàn thanh tra ủy quyền
Năm nay, kỷ luật thi cử tiếp tục được siết chặt. Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh Thanh tra Giáo dục của Bộ GD-ĐT, cho biết ở kỳ thi năm nay, bộ không tổ chức tập huấn thanh tra thi mà các đơn vị phải tự tổ chức tập huấn trên cơ sở quy chế thi và các văn bản hướng dẫn. Riêng đối với thanh tra ủy quyền, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì với số lượng tương tự như năm 2010.
Mỗi tỉnh, thành sẽ có một đoàn thanh tra gồm trưởng đoàn, một cán bộ giám sát in sao đề thi và từ 5 – 10 thành viên thanh tra coi thi. Riêng đoàn thanh tra ở Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có từ 10 – 13 thành viên. Tuy nhiên, cũng theo ông Trúc, thanh tra sở GD-ĐT tại địa phương vẫn là lực lượng chính tập trung tổ chức hoạt động tự thanh tra tại địa phương mình.
Đối với thí sinh, Bộ GD-ĐT lưu ý tuyệt đối không được trao đổi, bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận trong phòng thi. Đặc biệt, không được mang điện thoại di động vào phòng thi. Ông Phạm Ngọc Trúc cho biết dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng hằng năm đều có rất nhiều thí sinh bị lập biên bản đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Ông Trúc khẳng định nếu phát hiện điện thoại di động trong người, dù đã tắt vẫn bị đình chỉ thi.
Không được thi nếu năm lớp 12 nghỉ quá 45 buổi
Thí sinh được công nhận đủ điều kiện dự thi nếu đánh giá, xếp loại ở lớp 12 có hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém; tổng số buổi nghỉ học trong năm học lớp 12 không quá 45 buổi (nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại); không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi.
Thí sinh tự do được công nhận đủ điều kiện dự thi nếu đã tốt nghiệp THCS; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; trường hợp không đủ điều kiện dự thi do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường THPT nơi học lớp cuối cấp hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5, bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định.
(Theo NLĐ Online)