Ngành Giáo dục và Đào tạo với sự nghiệp “trồng người”

Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ta không ngừng nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (CSVC), nâng cao chất lượng dạy - học, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư xây dựng

Được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh ta có bước phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng, phủ kín từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu vùng xa. Đầu năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 312 cơ sở GD&ĐT (trong đó có 25 trường ngoài công lập), bao gồm 87 trường Mầm non (MN), 137 trường Tiểu học (TH), 50 trường THCS, 15 trường THPT, 9 trường liên cấp TH-THCS, 3 trường liên cấp THCS-THPT, 2 trường liên cấp TH-THCS-THPT, 5 trường dân tộc nội trú, 1 trường THPT chuyên, 2 trung tâm, 1 trường Cao đẳng Sư phạm với hơn 144.000 học sinh - sinh viên (HSSV) và trên 10.000 cán bộ, giáo viên (CBGV), nhân viên.

Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh, xã Cà Ná (Thuận Nam) được đầu tư xây mới, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em địa phương. Ảnh: Văn Nỷ

Điều đáng ghi nhận trong những năm học qua là ngành GD&ĐT tỉnh nhà không ngừng tham mưu đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư nâng cấp CSVC, thiết bị dạy học đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của HS. Có thể kể đến Trường THCS, THPT Đặng Chí Thanh (Thuận Nam) được Tập đoàn Trung Nam đầu tư trên 66 tỷ đồng xây dựng đầy đủ các hạng mục và trang thiết bị dạy học hiện đại theo hướng trường chuẩn quốc gia; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tài trợ 5 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện Ninh Hải đối ứng 2 tỷ đồng xây dựng Trường Mẫu giáo Nhơn Hải… Cùng với đó, các doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư xây dựng 192 cơ sở giáo dục ngoài công lập thu hút trên 10.200 trẻ tham gia học tập, chiếm 37,3% số trẻ độ tuổi MN ra lớp. Đến tháng 12-2019 số vốn hỗ trợ, đầu tư cho GD&ĐT là 582,8 tỷ đồng…

Hiện toàn tỉnh có 114 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 52,1%; trong đó, có 74/136 trường TH, đạt 56%, 32/62 trường THCS, đạt 51,6% và 8/21 trường THPT, đạt 38,1%; riêng cấp học MN có 20/87 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 23% và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Theo đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT, trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ HS hoàn thành chương trình TH được duy trì hằng năm là 99,9%; trên 99,5% HS tốt nghiệp THCS; trên 65% HS THPT đỗ vào các trường đại học, cao đẳng… Chất lượng giáo dục miền núi có nhiều chuyển biến, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được duy trì, tăng cường đảm bảo các điều kiện về CSVC để nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục phù hợp đối tượng HS dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng trong tỉnh. Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ CBGV các cấp học phổ thông luôn được quan tâm, đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn nghề nghiệp, thật sự tâm huyết với nghề, năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường THPT Nguyễn Trãi. Ảnh: P.B

Đến nay, hầu hết CBGV của tỉnh có trình độ đạt chuẩn, tâm huyết, yêu nghề, tích cực đổi mới phương pháp sư phạm, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần tạo động lực, giúp HS chăm ngoan, đạt kết quả cao trong học tập. Chất lượng giáo dục đại trà, nhất là giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc với 17 HS đoạt giải HS giỏi văn hóa cấp quốc gia. Đây là lần đầu tiên ngành GD&ĐT tỉnh nhà đạt thành tích cao kể từ ngày tái lập tỉnh.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV được quan tâm đẩy mạnh. Đối với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đến nay, 100% các huyện, thành phố của tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH và THCS; 100% xã, phường đạt chuẩn xóa mù chữ... Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp, phân luồng HS sau bậc THCS được thực hiện đúng lộ trình và đạt kết quả khích lệ. Đối với giáo dục dân tộc, chất lượng dạy - học có nhiều chuyển biến tích cực với tỷ lệ HS xếp loại trung bình trở lên và đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng tăng.

Những kết quả đạt được góp phần nâng cao chất lượng dạy - học theo hướng toàn diện, đồng thời, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.