Để thực hiện phương châm “Luôn đảm bảo nguồn điện vận hành an toàn, liên tục phục vụ cho hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội”, công việc của những công nhân ngành điện được thực hiện bất kỳ vào thời gian nào, bất kể mưa bão, nắng gió hay cả đêm khuya khi người dân đã chìm sâu vào giấc ngủ. Đặc biệt, vào mùa mưa bão khi gió lớn, lốc, lũ đổ về, hệ thống lưới điện chịu nhiều tác động; nhiều cột điện, đường dây có khi bị cuốn quật ngã. Mỗi khi gặp sự cố dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người thợ điện đều phải vác ba lô đồ nghề lên đường, có mặt sớm nhất tại hiện trường để khắc phục sự cố một cách nhanh nhất, bởi các anh đều hiểu: Nếu chậm cấp điện trở lại sẽ gây nhiều cản trở đến sinh hoạt của người dân và hoạt động các cơ quan, đơn vị, kéo theo sự thiệt hại về kinh tế. Vì thế, dù trong hoàn cảnh nào, các anh vẫn thầm lặng bám trụ cùng những tuyến đường dây, cùng vị trí cột để phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố dù là nhỏ nhất. Để làm công việc đặc thù của ngành Điện, đòi hỏi tinh thần của các anh lúc nào cũng phải sẵn sàng và khẩn trương, chỉ cần “gọi là chạy”. Tất cả chỉ bởi một lẽ rất giản đơn là sự an toàn, thông suốt của dòng điện.
Anh Nguyễn Văn Tình, công nhân đường dây, cho biết: Làm thợ đường dây của ngành Điện phải yêu nghề mới bám trụ lâu dài được. Những khi mưa bão tới hay lễ, tết, trong khi mọi người được sum vầy bên bữa cơm gia đình, thì anh em đường dây vẫn phải chia nhau trực ca để kịp thời xử lý mọi sự cố đảm bảo nguồn sáng cho mọi gia đình. Đặc biệt, vào dịp tết không khí lao động diễn ra khẩn trương hơn ngày thường để kịp tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Tu sửa hệ thống điện tại khu vực muối Đầm Vua, xã Tri Hải (Ninh Hải).
Nghề nào cũng có những niềm vui, nỗi buồn và ngành Điện cũng không ngoại lệ. Có “mục sở thị” công việc hàng ngày của những người lính áo cam mới thấy cảm nhận được lòng yêu nghề, sự trân quý công việc của những công nhân đường dây. Mặc dù, trong công việc hằng ngày, những người thợ, nhân viên ngành Điện luôn gặp không ít khó khăn, vất vả, thậm chí phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng dường như trên những khuôn mặt đen sạm vì rám nắng ấy lại luôn tỏa sáng bởi nụ cười toát lên từ sự lạc quan, yêu đời. Với hơn 25 năm trong nghề, anh Lê Thanh Mỹ, Tổ trưởng Tổ 1, Công ty Điện lực Ninh Hải với lòng yêu nghề cộng với kinh nghiệm nhiều năm công tác, bất kể nắng nóng khắc nghiệt hay mưa bão, lũ lụt tại các vùng dân cư trên địa bàn huyện, khi có phản ánh của người dân và phân công của cấp trên, anh và các đồng nghiệp sẵn sàng đảm nhận mọi công việc, từ leo cao xử lý sự cố đường dây trung, hạ áp, đến lội ruộng, băng đồng phục vụ sửa chữa, xây lắp các công trình lưới điện. Anh Mỹ cho biết: Để cung cấp nguồn điện cho mọi nhà, anh em chúng tôi cố gắng phối hợp với nhau trong công tác kiểm tra, xử lý sự cố để đảm bảo an toàn trong công việc cũng như hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Những năm gần đây, Ninh Thuận được biết đến là “thủ phủ” năng lượng tái tạo của cả nước. Nhiều dự án có quy mô, công suất lớn được đầu tư, nên hệ thống truyền tải phải đồng bộ đảm bảo vận hành. Công ty Điện lực Ninh Thuận đã phối hợp với các nhà đầu tư cử cán bộ, nhân viên, công nhân điện lực hỗ trợ và tham gia đấu nối đưa hệ thống điện các dự án vào vận hành một cách thông suốt. Với quyết tâm không để người dân “khát điện”, năm 2020 Công ty đã đầu tư xây dựng 23 công trình lưới điện với tổng số tiền đầu tư trên 145 tỷ đồng, trong đó xây dựng mới và cải tạo trên 63km đường dây trung áp, xây dựng mới và cải tạo trên 128 km đường dây hạ áp, tăng dung lượng máy biến áp lên 12.355KVA. Đến nay 65/65 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có điện, đạt tỷ lệ 100%; số thôn, phường có điện đạt tỷ lệ 100%; số hộ có điện trong toàn tỉnh là đạt tỷ lệ 99,98%.
Thành tích trong năm qua của ngành Điện lực có sự đóng góp của công nhân đường dây. Những “người lính” trong sắc áo cam để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân trước thềm năm mới .
Thanh Thịnh