Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai trên cơ sở bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cụ thể hóa bằng đề án, kế hoạch, lồng ghép đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua 10 năm thực hiện, toàn tỉnh có trên 35.500 lao động nông thôn tham gia học nghề, đạt 85,45%. Trên 81% lao động sau đào tạo nghề có việc làm đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH trao tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.
Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí huy động để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo thường xuyên hơn 575 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, các ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách về giảm nghèo bền vững. Đặc biệt hộ tái nghèo giảm đáng kể, từ 202 hộ giảm còn 10 hộ. Thông qua phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả, cách làm hay được nhân rộng; các phong trào giúp nhau trong dòng tộc; cộng đồng dân cư được duy trì. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,33% bình quân giảm từ 1,5%-2%/năm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020”; tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.
Mỹ Dung