Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Hôn nhân có yếu tố nước ngoài cần biến “4 không” thành “5 biết”

Ngày 22-4, tại TP. Cần Thơ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc về hôn nhân và gia đình (HN-GĐ) có yếu tố nước ngoài. Tham dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong nước.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận xét: Trong 5 năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý kết hôn với người nước ngoài ngày càng hoàn chỉnh. Tuy vậy, hiện nay việc chấm dứt tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp; thực hiện hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, đảm bảo phong tục, tập quán của đất nước trong nhiều trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài vẫn chưa thực hiện được, bởi đây là những cuộc hôn nhân “4 không”: không tình yêu; không biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; không biết tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của đối tượng đến cầu hôn.

Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương phải có nhiều giải pháp đồng bộ để biến thực trạng hôn nhân “4 không” thành hôn nhân “5 biết”. Cụ thể là biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; biết tình trạng sức khỏe; hoàn cảnh gia đình của đối tượng sẽ kết hôn và hiểu biết pháp luật về hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân nước ngoài thành công và thất bại của những chị em đi trước, từ đó xây dựng hôn nhân trên nền tảng có tình yêu, sự hiểu biết và cảm thông chia sẻ. Đồng thời các Bộ Công an, Tư pháp và Bộ Ngoại giao phải có sự phối hợp trong việc hoàn chỉnh các hệ thống pháp luật liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đưa ra các biện pháp đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ, ngăn chặn các hành vi trục lợi, phạm pháp từ những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ năm 1995 đến cuối năm 2010 có trên 294.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài. Trong đó có khoảng 80% là phụ nữ Việt Nam kết hôn với nước ngoài hoặc với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc. Đánh giá vấn đề kết hôn với người nước ngoài, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định đây là một xu hướng tất yếu và được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Thông qua những cuộc hôn nhân này, mối quan hệ hợp tác giữa các nước và Việt Nam ngày càng được củng cố.

Tuy vậy, hiện tại nhiều địa phương lại xuất hiện trào lưu kết hôn không mang tính tự nguyện, kết hôn vì mục đích kinh tế không chỉ làm tăng nguy cơ mất cân bằng giới tính và độ tuổi kết hôn, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ Việt Nam mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục và mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ mà phụ nữ Việt Nam đã kết hôn.

Để góp phần lành mạnh hoá các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Bộ Ngoại giao kiến nghị phải rà soát lại thủ tục đăng ký kết hôn, cần quy định giấy khám sức khỏe (trong đó có bệnh thần kinh và HIV) là giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Đưa hình thức môi giới kết hôn quốc tế vào khuôn khổ pháp luật để quản lý. Bộ Tư pháp cũng kiến nghị cần phải sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan về hướng dẫn hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Về lâu dài Luật Hôn nhân gia đình và Bộ Luật Hình sự cũng cần phải sửa đổi cho sát hợp tình hình thực tế.

(Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)