Dự án hiệu quả thu hút hàng chục nghìn lao động
Theo TS Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), do tác động của COVID-19, hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn; nhiều cuộc xúc tiến đầu tư và diễn đàn quảng bá bị hoãn; các chuyến bay quốc tế chưa được mở, thiết bị máy móc và việc chuyển vốn cũng bị gián đoạn. Những yếu tố đó khiến vốn FDI vào Việt Nam bị giảm sút so với năm 2019.
Tuy nhiên vốn đăng ký điều chỉnh năm 2020 của nhiều doanh nghiệp tăng 10,6% so với 2019, đặc biệt nhiều nhà đầu tư đã dịch chuyển dòng đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam. “Việt Nam đang được xem là điểm đến trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu. Điển hình Foxconn và nhiều thương hiệu lớn nổi tiếng khác từ các quốc gia truyền thống như: Nhật Bản, Hàn quốc, EU... Năm 2020, các dự án mới có quy mô lớn đã vào Việt Nam và triển khai rất nhanh ở nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang... Trong số này, chủ yếu là các dự án đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo cụ thể là đầu tư vào lĩnh vực điện tử”, TS Phạm Đình Thúy cho hay.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.
Theo Bộ KHĐT, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh và mở rộng dự án. Quan trọng hơn, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Hiện có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/ đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18%; sau đó lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký tương ứng gần 4,2 tỷ USD và trên 1,6 tỷ USD…
Một số dự án lớn được đầu tư trong năm 2020 có thể kể đến như: Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD; Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD…
Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm đầu tư hấp dẫn và an toàn vì tình hình chính trị - kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm; Việt Nam đã có chiến lược thu hút FDI mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn; các hiệp định thương mại mới mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam. Theo đó không chỉ các doanh nghiệp nội địa mà nhiều doanh nghiệp FDI, đặt nhà máy tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những hiệp định này; nguồn lao động dồi dào, trẻ, năng động, có kiến thức; Việt Nam là thị trường tiềm năng và rộng lớn với dân số tiệm cận 100 triệu người; Việt Nam đã và đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh môi trường đầu tư.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia bị tụt hạng về hệ số tín nhiệm quốc gia (do Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings tiến hành (Fitch) thì ngược lại Việt Nam không những được đánh giá là giữ được sự ổn định với mức BB mà còn được đánh giá có chuyển biến tốt, chuyển từ triển vọng tích cực sang ổn định.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Tim Evans, FDI tăng trưởng bền vững là một trong những điểm tự hào của kinh tế Việt Nam, song cần cải thiện các thủ tục hành chính, thuế quan...
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho hay: Các doanh nghiệp Việt phải thanh toán thuế 6 lần/năm, tiêu tốn 384 giờ cho việc hoàn thành các mẫu biểu, chuẩn bị, trả thuế..., và mức thuế phải trả chiếm tới 37,6% lợi nhuận. Đại diện Panasonic Việt Nam cho rằng: Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các vị trí quản lý và kỹ sư, cần được chú trọng. Ngoài ra, với sự dịch chuyển nguồn nhân lực từ khu vực ngoại ô đến các thành phố lớn như: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cần đầu tư, cải thiện ký túc xá, nhà ở với chi phí hợp lý, nâng cao an sinh xã hội cho lực lượng lao động.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong thập kỷ tới, thu hút FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt phải quy định rõ những ngành nào, lĩnh vực nào? cần ưu tiên thu hút FDI trên nguyên tắc những ngành và lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có khả năng làm được thì không kêu gọi đầu tư nước ngoài.
"Đặc biệt, do khu vực công nghiệp phụ trợ còn non yếu, giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án FDI đầu tư và sản xuất tại Việt Nam theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp Việt có điều kiện tiếp cận trực tiếp công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại và tri thức kinh doanh tin cậy," ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Để đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư. “Để sẵn sàng đón dòng vốn FDI dịch chuyển, Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh”, ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ.
Theo TTXVN/Báo Tin tức