Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, ngành Nội chính Đảng đã triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả các mặt công tác và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Ngành đã tích cực nghiên cứu, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, từng bước hoàn thiện thể chế về nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp và giải quyết dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo bước đột phá quan trọng phát hiện, xử lý tham nhũng. Phát huy trách nhiệm, bảo đảm khách quan, thận trọng, chính xác trong tham mưu, đề xuất những vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tham gia đóng góp nhiều ý kiến về công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong sạch. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và tham mưu các cấp ủy thực hiện công tác tiếp công dân từng bước đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả. Tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, phương pháp, lề lối làm việc không ngừng được cải tiến, hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao về chất lượng. Vị thế, uy tín của ngành Nội chính Đảng ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: U.Thu
Năm 2020, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý 65 vụ án, 24 vụ việc, hoàn thành xét xử sơ thẩm 20 vụ án/115 bị cáo, xét phúc thẩm 13 vụ/84 bị cáo, với những mức án nghiêm khắc, mang tính nhân văn, trong đó có cả cán bộ cao cấp, đương chức và nghỉ hưu. Ban Nội chính các địa phương đã tham mưu, đề xuất đưa 408 vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế vào diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; trong đó đã tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm 237 vụ việc, vụ án...
Ngành Nội chính Đảng đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn, cũng như triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả về nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Nắm chắc, dự báo chính xác tình hình để tham mưu, đề xuất lãnh chỉ đạo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ của ngành…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư biểu dương những thành tích đạt được của ngành Nội chính Đảng trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho một thập kỷ mới, năm mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tiếp tục thi hành nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp về đẩy mạnh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Tình hình tội phạm đang có chiều hướng phức tạp, nhất là tội phạm tham nhũng kinh tế diễn biến ngày càng tinh vi làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu ngành Nội chính Đảng cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực, thực hiện hơn nữa nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhân dân giao phó. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, tham mưu, cụ thể hóa triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời khắc phục những bất cập, những khoảng trống, khe hở để không thể tham nhũng, nhất là những quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm về quản lý tài sản, thu nhập và xử lý tài sản bất minh của cán bộ, công chức, viên chức. Tham mưu lãnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực trên tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Tập trung xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Theo dõi, nắm chắc tình hình để tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững an ninh, trật tự xã hội, nhất là giải quyết những vụ việc phức tạp nổi lên ở an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, an ninh nông thôn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm nguy hiểm, những bức xúc khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp… quyết không để phát sinh thành điểm nóng, bị động, bất ngờ. Giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác lãnh đạo xây dựng pháp luật vì mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ Đảng. Xây dựng, nâng cao chất lượng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ nội chính trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng nhất cho Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2013-2020 góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Uyên Thu