Chúng tôi gặp Nghệ nhân Bá Khâm cùng các chức sắc Bàlamôn thực hiện nghi thức tổ chức lễ Cambur năm 2020 tại tháp Pô Rome vào sáng ngày 1 tháng 9 Chăm lịch (29-12 dương lịch). Đây là một trong bốn nghi lễ quan trọng hàng năm diễn ra đồng loạt tại các đền tháp của đồng bào Chăm. Nếu Katê là lễ cúng tưởng nhớ công ơn của cha (nam thần) diễn ra vào ngày 1 tháng 7 Chăm lịch thì Cambur là lễ cúng tưởng nhớ mẹ (nữ thần). Tiếng đàn Kanhi của Nghệ nhân Bá Khâm réo rắt hòa nhịp ca ngợi công lao to lớn của ngài Pô Rome trong việc đắp đập Ma Rên dẫn nước tưới cho đồng ruộng Hậu Sanh. Các vị chức sắc và thân tộc của ngài Pô Rome thực hiện nghi thức tắm tượng và bày lễ vật cúng kính trong không khí đầm ấm, vui tươi. Dân làng vào tháp dâng trầu rượu cầu xin gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Bên ngoài cửa tháp, bà con ở các làng Chăm đến bày lễ vật cầu xin mưa thuận nắng hòa, quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, xóm làng bình an, cuộc sống ấm no. Tháp Pô Rome được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia vào tháng 8-1992.
Tranh thủ thời gian nghỉ tay giữa các nghi thức Cambur, Nghệ nhân Bá Khâm cho biết từ thời trai trẻ ông được người cha ruột là Bá Thành Mú truyền dạy chế tác, biểu diễn đàn Kanhi; đồng thời thuộc nằm lòng các bài hát ca ngợi công lao của các vị thần đối với tín ngưỡng tâm linh đồng bào Chăm. Nghệ nhân Bá Khâm có trên nửa thế kỷ gắn bó với cây đàn Kanhi “cha truyền con nối” lên nước bóng loáng, trang trí các tua chỉ màu rất đẹp. Kanhi là loại đàn kéo hai dây tương tự như đàn nhị của người Kinh nên còn gọi là đàn nhị mai rùa. Thân đàn phát ra âm thanh được làm bằng mai rùa bịt kín bằng da trăn gắn với cần đàn bằng tre dài khoảng 70- 80 cm. Cần kéo bằng tre uốn cong hình cánh cung, dây làm bằng lông đuôi ngựa hoặc sợi cước dài khoảng 65 cm được luồn vào giữa hai dây đàn. Khi biểu diễn, nghệ nhân kéo cần đàn cọ vô hai dây đàn phát ra âm thanh kò, kí nên còn là đàn kò ke. Ông Ka dhar giữ vai trò chủ lễ trong nghi thức tế lễ, hát ngợi ca công đức các vị thần linh ở đền tháp, làng xóm. Nghệ nhân Bá Khâm vừa đàn Kanhi vừa hát ca ngợi công lao của các bậc tiền nhân trong công cuộc khẩn hoang lập ấp, dạy dân làng cày cấy, đắp đập dẫn thủy nhập điền, dệt vải, làm gốm, xây dựng đền tháp… Giọng ông trầm ấm tha thiết hòa quyện cùng tiếng đàn Kanhi phảng phất hương trầm gợi cho người nghe cảm giác thiêng liêng nhớ về công ơn tổ tiên đối với cuộc sống no ấm của con cháu ngày nay. Hai học trò của Nghệ nhân Bá Khâm là Ka dhar Châu Hắc ở xã Phước Nam và Ka dhar Thành Đen ở thị trấn Phước Dân kế nghiệp thực hiện nghi lễ tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm.
Ông Trượng Lẻo, Bí thư chi bộ thôn Hậu Sanh ghi nhận vai trò đóng góp của Nghệ nhân Bá Khâm trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm địa phương. Ông nuôi dạy con cái học hành trưởng thành công tác trong các ngành giáo dục, văn hóa trong tỉnh. Với vai trò người cao tuổi và chức sắc Chăm, ông góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con tộc họ đoàn kết xây dựng diện mạo nông thôn mới ở địa bàn dân cư ngày càng phát triển giàu đẹp.
Sơn Ngọc