Tại buổi viếng thăm, đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh cùng các đại biểu thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và kính trọng sâu sắc đối với sự đóng góp của đồng chí Trần Thi trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước; cùng nhau ôn lại tiểu sử của đồng chí Trần Thi qua các thời kỳ. Đến thăm gia đình thân nhân đồng chí Trần Thi, đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ân cần gửi lời thăm hỏi sức khỏe và tình hình đời sống thân nhân gia đình.
Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh viếng thăm Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Thi.
Đồng chí Trần Thi (bí danh Hồng Tráng) sinh năm 1891 tại làng Vạn Phước, xã Phước Thuận (Ninh Phước). Là một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, năm 1928 - 1929, đồng chí tự đứng ra thành lập "Hội Đồng ước", đây là một trong những tổ chức thanh niên yêu nước đầu tiên được thành lập tại tỉnh ta. Đến 1930, đồng chí tham gia "Hội nông dân phản đế" và trong năm này, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1934, đồng chí vận động và lãnh đạo nông dân làng Vạn Phước đấu tranh đòi lại ruộng đất bị địa chủ chiếm đoạt. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Thi, làng Vạn Phước là một trong những nơi có phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi trong tỉnh. Năm 1944, đồng chí đứng ra thành lập các nhóm "Việt Minh vùng" có nhiệm vụ tuyên tuyền, phổ biến chỉ thị của Việt Minh và thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào đoàn kết chống Nhật - Pháp. Ngày 22-8-1945, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Trần Thi, Nguyễn Ngọc Lân, Mai Mạnh... nhân dân Vạn Phước nói riêng và huyện Ninh Phước nói chung đã đứng lên giành chính quyền.
Sau Cách mạnh Tháng Tám thành công, tháng 1-1946, đồng chí Trần Thi trúng cử vào Đại biểu Quốc hội khóa I, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tham gia giữ nhiều vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đồng thời, đồng chí là đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đầu tiên tham dự Quốc hội khóa I (1946-1960). Sau đó, Quốc hội khóa II, III, đồng chí được lưu nhiệm tham dự các hoạt động của Quốc hội và đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, cho đến khi lâm bệnh và mất vào năm 1967.
Quá trình tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều công lao thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (năm 1955), Huân chương Độc lập hạng Ba ( tháng 4-1967), Huân chương Độc lập hạng Nhì (1998) và danh hiệu "Cách mạng lão thành"...
Kim Thùy