Theo báo cáo của các sở, ngành liên quan tại buổi họp, về điện mặt trời, tính đến cuối năm 2020, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án, với quy mô công suất 2.576,85 MW, diện tích sử dụng đất khoảng 3.515,43 ha, tổng vốn đăng ký 68.688 tỷ đồng. Trong đó, có 32 dự án với tổng công suất 2.256,85 MW đi vào hoạt động; 5 dự án với công suất 320 MW, tổng vốn đăng ký 7.207,9 MW đang tích cực triển khai, dự kiến đi vào hoạt động trước quý II-2021. Về điện gió trên đất liền, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 15 dự án, với công suất 766,45 MW, diện tích đất khảo sát khoảng 4.059,5 ha, tổng vốn đăng ký trên 28.000 tỷ đồng. Trong đó, đến cuối năm 2020 có 3 dự án với công suất 229,5 MW đi vào hoạt động và 12 dự án đang triển khai thi công hoặc đang hoàn tất các thủ tục đầu tư với công suất 536,95 MW. Về thủy điện, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án, với quy mô công suất 313,85 MW, diện tích đất khảo sát khoảng 249 ha, tổng vốn đăng ký 4.133,3 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án với công suất 29,85 MW đã đi vào hoạt động và 4 dự án đang triển khai thi công dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2021, với công suất 284 MW.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Ngoài các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, hiện có hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió biển, điện gió trên đất liền, thủy điện và điện khí LNG theo quy hoạch đã phê duyệt hoặc đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát để sớm cập nhật, tích hợp bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), dự tính cụ thể: Điện mặt trời (6.781 MW), điện gió đất liền (1.069 MW), điện gió biển (4.380 MW), điện khí LNG (4.500 MW).
Để đạt được mục tiêu đề ra, đưa 1.500 MW điện năng lượng tái tạo vào hoạt động trong năm 2021, phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Trong đó, đối với 18 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, với công suất 727 MW, yêu cầu các sở, ngành và địa phương hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ an ninh trật tự tại công trường thi công dự án. Với các dự án đang hoàn tất các thủ tục đầu tư để đủ điều kiện được chấp thuận, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương về quy trình quyết định chủ trương đầu tư dự án; đấu giá, đấu thầu giá điện đối với dự án cụ thể; trong đó có ưu tiên cho các nhà đầu tư đã bỏ kinh phí để lập quy hoạch cho dự án và tham mưu UBND tỉnh việc xét chọn nhà đầu tư theo quy định… Đồng thời, giao Sở KH&ĐT chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức tổng rà soát các dự án điện năng lượng tái tạo, chú ý các dự án điện mặt trời áp mái, điện mặt trời trên lòng hồ; rà soát về quy hoạch, kiến trúc, độ an toàn của các công trình, quy định về sử dụng đất, tiêu chí kinh tế trang trại… của các dự án có gắn tấm pin mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh.
Xuân Nguyên