Qua khảo sát, dọc khu vực đầu cầu kè K1 và bờ kè Đông Hải có khoảng 20 hộ tận dụng để làm nơi sơ chế và phơi cá. Những loại cá như: nhồng, nạng, nục, hố… được mua tại Cảng cá Đông Hải, sau đó sơ chế và rửa sơ sài ngay tại biển, rồi xẻ và xếp lên vỉ phơi ngay trên bờ kè và bên lề đường với nhiều bụi bẩn, côn trùng bám rất mất vệ sinh. Tình trạng này đã kéo dài hơn 1 năm nay. Bà Nguyễn Thị Nhị ở khu phố 11, phường Đông Hải, cho biết: Nghề làm cá khô ở đây có từ lâu, lúc trước ở khu vực gần bờ kè nhà xây ít nên bà con tận dụng đất trống làm giàn để phơi cá. Bây giờ nhà xây nhiều rồi nên phải tận dụng bờ kè để phơi cá, vào mùa gió, bụi dính vào cá biết là không đảm bảo VSATTP nhưng không còn cách nào khác.
Cá sau khi sơ chế được phơi trực tiếp trên bờ kè.
Quy trình chế biến thực phẩm an toàn đòi hỏi phải đồng bộ từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, đến phương pháp chế biến và bảo quản. Việc chế biến cá khô cũng cần lựa chọn loại cá phù hợp, khâu chế biến cần chú trọng đến dụng cụ, nguồn nước và môi trường nhằm đảm bảo VSATTP. Phường Đông Hải có khoảng 20 hộ làm nghề chế biến cá khô. Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức trong quá trình chế biến hải sản, thời gian qua, UBND phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn về quy trình chế biến đảm bảo VSATTP. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn một số hộ chưa tuân thủ các quy trình trên. Theo đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải, thời gian tới, phường sẽ xử lý nghiêm những hộ chế biến cá khô không đáp ứng điều kiện về VSATTP nhằm giúp thay đổi thói quen của người dân trong sơ chế và chế biến các loại hải sản ở địa phương.
Hải sản khô là thực phẩm thông dụng của nhiều gia đình, do đó bên cạnh việc tuyên truyền của các cơ quan chức năng, thì các hộ làm nghề cũng cần nâng cao nhận thức trong chế biến các loại cá khô nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Kha Hân