Đức thông báo sẽ bắt đầu kế hoạch tiêm chủng vào ngày 27/12, thời điểm quốc gia đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU này đặt ra để triển khai triển khai chương trình tiêm chủng trên toàn EU.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Layen, tất cả các nước thành viên EU có thể bắt đầu chiến dịch này vào cùng một ngày, ngay khi vaccine Pfizer/BioNtech do Mỹ và Đức hợp tác bào chế được thông qua.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại London, Anh, ngày 8/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Pháp tuyên bố sẽ tiếp nhận khoảng 1,16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm và thêm 2,3 triệu liều trong hai tháng đầu năm 2021. Hiện Pháp đã đặt mua tổng cộng 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đủ để có thể tiêm cho 100 triệu người, trong khi dân số nước này chưa đến 70 triệu người. Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến tại Pháp, chỉ só 53% người dân muốn tiêm vaccine. Đây là tỷ lệ thấp nhất trên thế giới.
Tại Italy, sau cuộc họp giữa đại diện chính phủ trung ương và thống đốc 20 vùng, ngày 16/12, giới chức nước này đã thông qua một kế hoạch quốc gia tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, đối tượng ưu tiên sẽ là những nhóm có nguy cơ cao nhất như nhân viên y tế và người già, sau đó mới mở rộng ra cộng đồng. Vaccine sẽ được tiêm miễn phí và không bắt buộc. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, những liều vaccine đầu tiên sẽ đến với người dân ngay sau lễ Giáng sinh này.
* Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine miễn phí cho người dân vào giữa năm sau. Với hai thỏa thuận ký với công ty dược phẩm AstraZeneca (cung cấp 7,6 triệu liều vaccine) và Novavax (10,72 triệu liều), chính phủ khẳng định đảm bảo nguồn vaccine đủ để đáp ứng cho tất cả 5 triệu người dân nước này. Cả hai loại vaccine của các hãng dược phẩm trên đều yêu cầu phải tiêm 2 mũi/người. Đây là chương trình tiêm chủng mở rộng lớn nhất của New Zealand từ trước đến nay.
Hiện New Zealand ghi nhận 1.744 bệnh nhân COVID-19, trong đó 7 người đã tử vong.
Theo TTXVN/Báo Tin tức