Nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba
Đại dịch COVID-19 bùng phát tại Nhật Bản lần đầu tiên vào tháng 4 và tái bùng phát lần thứ hai vào tháng 8. Giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản có thể đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở nước này tăng đột biến trong những ngày gần đây.
Trong tháng 9, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản dao động trong khoảng từ 300 đến 600 ca/ngày. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, số ca nhiễm mới bắt đầu tăng. Ngày 8-12, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 47 ca tử vong, cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng ghi nhận thêm 2.175 ca nhiễm mới ở 44 trong 47 tỉnh, thành. Đáng chú ý, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo liên tục tăng. Ngày 9-12, thành phố này ghi nhận thêm 572 ca nhiễm mới, nâng tổng số người dương tính với virus SARS-CoV-2 trên toàn thành phố lên gần 45 nghìn ca. Ngày 9-12, số bệnh nhân COVID-19 đang nhập viện để chữa trị ở Tokyo là 1.820. Chủ tịch Hội Y học Tokyo Haruo Ozaki vừa lên tiếng cảnh báo về khả năng các bệnh viện ở thủ đô Tokyo không thể cứu sống các bệnh nhân trong bối cảnh số người nhập viện vì dịch COVID-19 liên tục tăng.
Cho đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở nước này đã lên đến hơn 170 nghìn ca. Trong khi đó, tổng số người tử vong là 2.500 người.
Giới chuyên gia y tế nhận định nguyên nhân của sự bùng phát số các ca nhiễm mới là do thời tiết trở nên lạnh hơn khiến người dân hạn chế các hoạt động ở ngoài trời, nơi có môi trường thông thoáng hơn so với môi trường khép kín của các tòa nhà. Bên cạnh đó, các nỗ lực khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội và vực dậy nền kinh tế, trong đó có việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh và thực hiện các chương trình kích cầu như “Go To Travel” và “Go To Eat”, cũng được cho là những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của số ca nhiễm mới.
Ông Toshio Nakagawa - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật Bản cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm mới trên toàn quốc có thể báo hiệu làn sóng lây nhiễm thứ ba đã xuất hiện ở quốc gia này. Chuyên gia này cảnh báo nếu số ca nhiễm mới tiếp tục tăng, điều này sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế
Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nhật Bản. Hồi tháng 11, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát cho tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3-2021) do tác động của đại dịch COVID-19. BoJ dự kiến trong tài khóa 2020, kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 5,5% so với dự báo giảm 4,7% đưa ra hồi tháng 7-2020. Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm 0,6% trong tài khóa 2020, thay vì giảm 0,5% trong dự báo tháng 7-2020. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản cao nhất 3 năm qua. Cụ thể, số lượng lao động của Nhật Bản trong tháng 11-2020 đạt 66,76 triệu người, giảm 750.000 người so với cùng kỳ năm 2019, đồng thời ghi nhận tháng giảm thứ 5 liên tiếp. Số lao động bán thời gian và không chính quy của Nhật Bản đạt 20,7 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ. Số lượng lao động thất nghiệp hoàn toàn của Nhật Bản trong tháng 11-2020 là 2,06 triệu người, tăng 490.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời ghi nhận tháng tăng thứ 7 liên tiếp.
Virus SARS-CoV-2 cũng chính là kẻ phá hoại “giấc mơ” của ngành du lịch Nhật Bản khi các biện pháp hạn chế nhập cảnh mà Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng để khống chế dịch bệnh đã hạn chế luồng khách du lịch quốc tế tới nước này. Tính chung từ tháng 1 đến 9-2020, Nhật Bản mới đón gần 3,98 triệu lượt khách quốc tế, giảm tới hơn 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với sự sụt giảm của lượng khách quốc tế, số lượng khách du lịch trong nội địa cũng giảm mạnh sau khi dịch bệnh bùng phát.
Nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua các khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, từ đầu năm, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hai dự thảo ngân sách bổ sung với tổng trị giá lên tới 57.600 tỷ yen. Trên cơ sở đó, Chính phủ Nhật Bản đã tung ra hai gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 230.000 tỷ yen (khoảng 2.200 tỷ USD).
Và một tín hiệu tích cực với kinh tế Nhật Bản khi số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8-12, cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này trong quý III năm nay (từ tháng 7-tháng 9) đã phục hồi với mức tăng trưởng thực tế GDP 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 5,3% so với quý trước đó, sau khi ghi nhận sự sụt giảm tồi tệ nhất thời hậu chiến trong quý II. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 3 sẽ làm chậm đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới.
Gói kích thích kinh tế bổ sung
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong hằng ngày do COVID-19 liên tục tăng mạnh tại Nhật Bản, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nước này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, ngày 8-12, Thủ tướng Nhật Bản Suga thông báo chính phủ nước này đã soạn thảo gói kích thích kinh tế bổ sung trị giá 73.600 tỷ yen (707 tỷ USD) để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. Đây là gói kích thích kinh tế đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Suga lên nắm quyền vào giữa tháng 9 vừa qua, nâng tổng số tiền Chính phủ Nhật Bản đã chi cho các biện pháp kích thích liên quan đến dịch COVID-19 vào khoảng 3.000 tỷ USD.
Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng một phần gói kích thích này để tài trợ cho chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi định hướng kinh doanh nhằm đối phó với dịch COVID-19, với mức hỗ trợ lên tới 100 triệu yen/doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ chi 2.000 tỷ yen cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ mới như chế tạo pin thế hệ mới và tái chế carbon nhằm giúp nước này có thể hiện thực hóa mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, và 1.000 tỷ yen để thúc đẩy quá trình số hóa.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản sẽ trích 1.500 tỷ yen từ gói kích thích này để bổ sung cho chương trình hỗ trợ đặc biệt cho các chính quyền địa phương nhằm giúp họ có thể trợ cấp cho các cửa hàng và quán bar phải rút ngắn thời gian hoạt động để chống dịch COVID-19. Chính phủ cũng sẽ tăng thêm các khoản hỗ trợ tài chính cho các cơ sở y tế để các cơ sở này bố trí thêm giường bệnh chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Ngoài ra, gói kích thích kinh tế này cũng bao gồm các khoản chi cho việc gia hạn chương trình kích cầu nội địa như “Go To Travel” và “Go To Eat”. Bắt đầu triển khai từ tháng 7 năm nay, chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel” dự kiến sẽ được gia hạn thêm 5 tháng tới tháng 6-2021.
Ngay trong ngày 8-12, nội các Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 73.600 tỷ yen. Sau khi nội các nước này thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 73.600 tỷ yen, ngày 9-12, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã đưa ra đánh giá lạc quan khi nhận định gói kích thích kinh tế mới nhất vừa được công bố sẽ hỗ trợ nước này phục hồi sau khi suy giảm mạnh do dịch COVID-19, có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của nước này ở mức 3,6%.
Thực tế cho thấy kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Suga đã khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là ứng phó với đại dịch COVID-19 và tập trung vực dậy nền kinh tế, mở ra con đường tăng trưởng mới. Và gói hỗ trợ kinh tế bổ sung đã hiện thực hóa cam kết của nhà lãnh đạo Nhật Bản.
Theo TTXVN