Mùa xuân Arab - 10 năm nhìn lại

Cách đây 10 năm, một “ngọn lửa” đã bùng phát tại thế giới Arab kéo theo nhiều thay đổi và cả hy vọng ở thời điểm đó. Tuy nhiên, hàng loạt sự kiện gây rúng động khu vực Trung Đông-Bắc Phi từ cuối năm 2010 mang tên Mùa xuân Arab đã tạo ra nhiều hệ lụy về dài hạn.

Nhìn lại làn sóng biểu tình Mùa xuân Arab

Cách đây 10 năm, phong trào nổi dậy "Mùa xuân Arab" xuất phát từ sự việc ngày 17-12-2010, khi một thanh niên trẻ thất nghiệp có tên là Mohamed Bouazizi, uất ức vì bị cảnh sát trấn áp, đã tự thiêu trước văn phòng chính phủ ở trung tâm thị trấn Sidi Bouzid. Vụ việc của Mohamed Bouazizi đã gây ra làn sóng phẫn nộ chưa từng có ở Tunisia. Cái chết của Bouazizi vào ngày 4-1-2011 đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ, dẫn tới việc Tổng thống Ben Ali phải từ chức, đi lưu vong (ngày 14-1-2011) và mở đầu cho làn sóng lật đổ chính quyền lan khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Các cuộc biểu tình tại Tunisia như ngòi nổ lan rộng, dẫn tới các cuộc nổi dậy, biểu tình ở một số quốc gia Arab khác, như Ai Cập, Yemen, Syria, Bahrain, Libya, Oman, Jordan và Maroc. Hầu hết các cuộc biểu tình bị chính phủ đáp trả bằng bạo lực và trấn áp mạnh tay. Mặc dù vậy, các chế độ ở các nước Tunisia, Ai Cập, Libya… cũng đã nhanh chóng bị lật đổ theo làn sóng biểu tình Mùa xuân Arab. Ngoài Tổng thống Ben Ali ở Tunisia, các nhà lãnh đạo khác cũng đã bị lật đổ như: Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập, Moammar Gaddafi ở Libya, Ali Abdullah Saleh ở Yemen, Omar al-Bashir ở Sudan…

Tuy nhiên, ngoài việc lật đổ được các chính quyền đương nhiệm, thực tế với người dân các nước khu vực này, họ đã mất nhiều hơn được từ phong trào "Mùa xuân Arab".

Hệ lụy nhìn thấy rõ của các cuộc biểu tình Mùa xuân Arab là đẩy các quốc gia này chìm trong những làn sóng bạo lực, nhiều nền kinh tế vốn là những "đầu tàu" của khu vực lâm vào cảnh suy thoái. Không những làm biến đổi sâu sắc về chính trị, nó còn làm tê liệt nền kinh tế của nhiều quốc gia. Nội chiến khốc liệt ở Libya, Syria đã tàn phá hai quốc gia mạnh về xuất khẩu dầu mỏ. Libya đã từng là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba châu Phi và đứng thứ 9 trong 12 thành viên Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Sản lượng khai thác của Libya ở đỉnh cao vào khoảng 1,8 triệu thùng/ngày, có lúc xuống chỉ còn chưa được 200 nghìn thùng/ngày. Trong khi đó, Ai Cập, nền kinh tế xương sống của các nước Arab, cũng bị đẩy đến bờ vực phá sản khi dự trữ ngoại tệ sụt giảm thê thảm bởi bất ổn chính trị. Nhìn chung, GDP của các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của "Mùa xuân Arab" đều bị giảm mạnh trong những năm đầu sau khi làn sóng biểu tình tràn qua. Và một hệ quả nữa có thể nhìn thấy rõ là những cuộc nội chiến ở Libya, Yemen và Syria… đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, đồng thời tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư lớn trên thế giới trong những năm qua do làn sóng hàng triệu người dân ở Trung Đông-Bắc Phi phải rời bỏ đất nước đi tị nạn… Ước mơ về một cuộc sống hòa bình dường như vẫn rất xa vời với người dân nhiều nước ở khu vực.

Mùa xuân Arab vẫn còn âm ỉ

Nếu như làn sóng biểu tình ở Tunisia cách đây 10 năm được coi là ví dụ cho thấy Mùa Xuân Arab có thể chuyển biến thành công, không có nhiều đổ máu, đảng cầm quyền Ennahdha đã có sự chuyển giao tiếp quản quyền lực khá suôn sẻ sang nền chính trị mới, thì thực tế không có nhiều quốc gia ở Trung Đông-Bắc Phi có được kết cục như Tunisia và nhìn chung dư luận vẫn cho rằng Mùa Xuân Arab về cơ bản vẫn không giải quyết được những bất ổn, căng thẳng nội tại tồn tại dai dẳng tại các nước ở khu vực này. Thậm chí, Mùa Xuân Arab đã đẩy một số quốc gia vào đói nghèo và nội chiến, như trường hợp của Libya hay Syria. Sau một thập niên, máu vẫn đổ và xung đột, căng thẳng và nguy cơ chiến tranh vẫn lơ lửng trên đầu người dân…

Và nếu như cách đây 10 năm, một số nước như Algeria, Sudan, Liban và Iraq là những quốc gia trong khu vực ít bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của Mùa xuân Arab năm 2010, thì vào năm ngoái, 4 quốc gia này đã phải chứng kiến những làn sóng biểu tình mạnh mẽ, đôi khi dẫn đến sự sụp đổ của các chính quyền cũ. Điều này khiến chuyên gia về các cuộc cách mạng trong thế giới ArabAsef Bayat bình luận rằng: “Làn sóng mới này cho thấy rằng Mùa xuân Arab không hề chết” và “Mùa xuân năm nay (2019) đã diễn ra trên các quốc gia khác trong khu vực với các hành động tập thể tương đối giống nhau”.

Có thể thấy rõ, sau Tunisia, Ai Cập, Syria, Libya hay Yemen… các quảng trường ở thủ đô Algiers (Algeria), Khartoum (Sudan), Beirut (Liban) và Baghdad (Iraq) cũng bùng nổ làn sóng nổi dậy. Điều này đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều chính phủ. Chuyên gia Arshin Adib-Moghaddam, thuộc Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London, đã dự đoán rằng: “2011 sinh ra 2019 và 2019 sẽ mang đến một làn sóng phản đối khác”.

Tại Algeria, tháng 2-2019 đã chứng kiến sự bất mãn lên đến đỉnh điểm của người dân, cùng với sự sụt giảm giá dầu, ngân khố quốc gia đã cạn sạch. Trong khi đó, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 80 tuổi, nắm quyền trong 2 thập kỷ, không thể nói được kể từ khi bị đột quỵ vào năm 2013, nhưng vẫn mong muốn trở thành ứng cử viên cho nhiệm kỳ thứ năm. Ngày 22-2-2019 đã đánh dấu cuộc biểu tình lớn đầu tiên, lan rộng từ thủ đô Algiers, nơi tất cả các cuộc biểu tình bị cấm kể từ năm 2001, đến tất cả các khu vực của đất nước. Phong trào Hirak ra đời từ đây. Quân đội Algeria cũng quyết định không tiếp tục ủng hộ ông Bouteflika, buộc ông phải từ chức vào ngày 2-4-2019.

Sự ra đi của "gia tộc Bouteflika" đã gây ra sự phấn khích. Nhưng các nhà hoạt động biết con đường dài phải đi: đó là phá hủy toàn bộ hệ thống nắm quyền kể từ khi độc lập vào năm 1962. Các cuộc biểu tình hàng tuần tiếp tục diễn ra không mệt mỏi trong nhiều tháng. Chế độ, được đại diện bởi tổng tham mưu trưởng quân đội, Ahmed Gaid Salah, đã không nhượng bộ: một cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức, bất chấp sự phản đối của dân chúng. Ông Abdelmadjid Tebboune đắc cử sau đó. Năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến các cuộc biểu tình giảm bớt nhưng phong trào Hirak vẫn diễn ra trên đường phố Algiers và Kabylia. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình. Ở một đất nước bị tàn phá bởi cuộc nội chiến, Algeria đã rút ra được những bài học từ Mùa xuân Arab. Đó là duy trì tính hòa bình của phong trào.

Trong khi đó, ở Iraq, khi làn sóng Mùa xuân Arab nổ ra, Iraq từ lâu đã không còn một đất nước hùng mạnh. Cuộc chiến do Mỹ phát động nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003 đã kéo theo cuộc xung đột giáo phái đẫm máu. Từ đó, các cuộc biểu tình thường xuyên làm rung chuyển đất nước. Nhưng đỉnh điểm gần đây là vào tháng 10-2019, các cuộc nổi dậy lại lan rộng khắp đất nước, lần này đòi thay đổi chế độ và buộc chính phủ của ông Adel Abdel Mahdi phải từ chức. Chiến tranh, khủng bố triền miên trong nhiều năm qua đã phá hủy nền kinh tế Iraq. Người dân mất niềm tin vào các chính phủ tiền nhiệm vì phải chịu ảnh hưởng quá lớn từ bên ngoài, nạn tham nhũng, tình trạng thất nghiệp luôn cao. Cộng với những tác động quá lớn của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho tỉ lệ người dân Iraq rơi vào mức nghèo tiếp tục gia tăng. Những vấn đề này vẫn cứ âm ỉ đặt ra thách thức lớn cho chính quyền nước này.

Tại Sudan, vào tháng 4-2019, Tổng thống Omar al-Bashir đã bị quân đội quản thúc tại gia. Các cuộc Cuộc trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh đã khiến hàng chục người thiệt mạng, làm dấy lên lo ngại rằng có thể bùng nổ cuộc nổi dậy tương tự như đã từng xảy ra ở Ai Cập sau Mùa xuân Arab năm 2011. Dưới áp lực, quân đội Sudan cuối cùng đã thỏa thuận với phong trào biểu tình vào tháng 8-2019. Nước này đã thành lập Hội đồng Chủ quyền chung để giám sát quá trình chuyển đổi sang chính phủ dân sự kéo dài 3 năm. Ông Omar cho rằng “phong trào ở Sudan được tổ chức tốt hơn nhiều” so với hầu hết các cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab…

Nhìn vào những gì đã diễn ra, có thể thấy rằng, 10 năm sau cuộc nổi dậy “Mùa xuân Arab”, những hy vọng từ cuộc nổi dậy này dường như đã tan biến. Nhưng làn sóng nổi dậy thứ hai nổ ra trong năm 2019 và vẫn tiếp diễn ở hiện tại chứng tỏ ngọn lửa này vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn. Theo Giáo sư Arshin Adib-Moghaddam tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (London) thì cho rằng, làn sóng Mùa xuân Arab sẽ vẫn âm ỉ và “sôi sục khi có cơ hội tiếp theo như một cơn sóng thần chính trị”.

Theo TTXVN