Trong bài phát biểu tại Đại học Columbia (New York, Mỹ), ông Guterres chỉ ra thực trạng Trái Đất đang bị tàn phá, con người đang tuyên chiến với thiên nhiên, và theo ông đây là hành động "tự sát". Ông cho biết năm 2021 tới là cơ hội để con người ngừng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên và bắt đầu "hàn gắn" Trái Đất, đồng thời nhấn mạnh hoạt động khôi phục sau dịch COVID-19 và tái tạo môi trường cần phải song hành.
Rác thải nhựa trong đại dương đang ở mức báo động. Ảnh: AFP/TTXVN
TTK LHQ đồng thời kêu gọi cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và nhận định rằng hội nghị kỷ niệm 5 năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra vào ngày 12/12 tới, cần đề ra lộ trình mới hướng tới mục tiêu này.
Ngoài ra, ông Guterres cũng chi ra thực trạng đáng báo động của hệ sinh thái hiện nay. Cụ thể, đa dạng sinh học đang bị đe dọa với việc hơn 1 triệu loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với đó, diện tích các hoang mạc đang mở rộng, trong khi các đầm lầy lại dần biến mất. Mỗi năm, thế giới mất đi 10 triệu ha rừng. Trên các đại dương, tình trạng đánh bắt hải sản quá mức và rác thải nhựa trong đại dương cũng đang ở mức báo động. Lượng khí CO2 do rác thải nhựa hấp thụ khiến các vùng biển bị axit hóa, trong khi đó các rạn san hô đang bị tẩy trắng và chết dần. Ô nhiễm nước và không khí cũng cướp đi sinh mạng của 9 triệu người mỗi năm.
Ông Guterres cho rằng "hòa bình với thiên nhiên" là hành động cần được ưu tiên trong thế kỷ 21, bởi không có "vaccine" nào cho hành tinh. Ông cũng hoan nghênh các cam kết của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc hướng tới trung hòa khí carbon và hy vọng hành động này sẽ được hưởng ứng trên quy mô toàn cầu.
TTK Guterres kết luận mỗi quốc gia, thành phố, thể chế tài chính và công ty cần đề ra các kế hoạch chuyển đổi nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Theo TTXVN/Báo Tin tức