Phát biểu với báo giới trước thềm Phiên họp đặc biệt cấp cao của Liên hợp quốc về đại dịch COVID-19 sẽ được tổ chức trong hai ngày 3 và 4/12 tới ở New York (Mỹ), ông Francesco Rocca - Chủ tịch IFRC nhấn mạnh: "Chúng tôi hoan nghênh thông tin về loại vaccine COVID-19 khả thi có thể sắp ra mắt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảnh báo rằng chỉ riêng vaccine là chưa đủ để chấm dứt đại dịch này. Để đánh bại COVID-19, chúng ta cũng cần phải đánh bại sự ngờ vực đang song hành cùng đại dịch này. Sự ngờ vực ấy luôn cản trở những nỗ lực ứng phó chung của chúng ta và điều đó có thể làm xói mòn khả năng tiêm chủng cộng đồng để phòng ngừa căn bệnh này".
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu gần đây đã cho thấy nhiều người đang mất dần sự hưởng ứng đối với vaccine ngừa COVID-19. Một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) thực hiện tại 67 quốc gia cho thấy việc chấp nhận tiêm phòng vaccine đã giảm đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2020.
Theo ông Rocca, mức độ nghi ngờ tăng cao đã làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng ứng phó với COVID-19 và tạo điều kiện cho sự lây lan của virus ở các nước trên thế giới.
Ví dụ, nghiên cứu của IFRC ở châu Phi cho thấy ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng virus là "vấn đề của phương Tây", trong khi ở các nước phương Tây, nhiều người từ chối tuân thủ những khuyến cáo cơ bản về sức khỏe cộng đồng. Ông Rocca kêu gọi chính phủ các nước cần triển khai các biện pháp để chống lại sự ngờ vực này, cũng như những thông tin sai lệch đã thúc đẩy sự ngờ vực đó.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã cảnh báo những thông tin giả và sai lệch có thể gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng vốn được xây dựng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. WHO lấy ví dụ như châu Phi chưa sẵn sàng cho việc tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19, do vậy cần phải nhanh chóng cải thiện vấn đề này trong bối cảnh triển vọng sớm có vaccine ngày càng hiện hữu sau những thông báo đầy hứa hẹn gần đây từ một số nhà sản xuất.
Theo đánh giá của WHO, mức độ sẵn sàng của châu Phi hiện chỉ vào khoảng 33%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 80%. Tỷ lệ này được đưa ra dựa trên việc đánh giá cơ sở dữ liệu do 40 quốc gia châu Phi cung cấp.
Cho đến nay, các tổ chức Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc gia, với sự hỗ trợ của IFRC, đã tiếp cận được 243 triệu người thông qua các hoạt động cộng đồng liên quan COVID-19. Ông Rocca nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực của các chính phủ trong việc triển khai vaccine ngừa COVID-19, trong đó bao gồm cả việc định hướng và hỗ trợ các nỗ lực chống lại thông tin sai lệch và xây dựng lòng tin".
Theo TTXVN/Báo Tin tức