Tại đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành xây dựng ở mức khá cao, khoảng 8,3 - 8,7%/năm. Ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư - xây dựng, bảo đảm chất lượng, an toàn xây dựng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thu hút và phân bổ hợp lý các nguồn lực đầu tư phát triển.
Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, ngành xây dựng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch và kiến trúc; tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; trong đó, cần hướng đến xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và có bản sắc dân tộc rõ rệt, phù hợp với từng vùng, miền.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Ảnh: TTXVN
Cùng đó, ngành xây dựng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng, khuyến khích áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Đại hội lần này có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng trong giai đoạn 2016 - 2020, nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; xác định đúng phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện chủ yếu trong giai đoạn mới; biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc và phát động phong trào thi đua trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, mục tiêu chủ yếu trong thu đua khen thưởng ngành xây dựng giai đoạn 2020 - 2025 là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện thi đua khen thưởng, tập hợp, đoàn kết, thúc đẩy toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ra sức thi đua yêu nước; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thức XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cùng đó, ngành xây dựng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị với trọng tâm là phát triển năng lực thiết kế, thi công các công trình xây dựng trong nhiều lĩnh vực với mọi quy mô theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam ở nước ngoài.
Nhóm công nghiệp vật liệu xây dựng cũng phát triển theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước; tăng cường xuất khẩu vật liệu xây dựng cao cấp, phát triển các vật liệu xây dựng mới.
Đặc biệt, ngành xây dựng chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Đây là cơ sở để từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có bản sắc; đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cũng là một trong những trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng nhà ở của người dân tại đô thị và nông thôn; phấn đấu đạt mức tăng trưởng toàn ngành cao hơn giai đoạn 2015 - 2020.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn tới, ngành xây dựng sẽ tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua: "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển","Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau","Đoàn kết, sáng tạo", "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Qua phong trào thi đua yêu nước ngành xây dựng đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, mô hình mới. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc trong các lĩnh vực đã được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, đại hội thi đua yêu nước các cấp.
Các hoạt động như Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân lao động chất lượng cao, Hội thi tay nghề công nhân giỏi các cấp, khu vực và thế giới... đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành. Giai đoạn 2015 - 2020, ngành xây dựng có 7.260 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được các cấp biểu dương, khen thưởng.
Phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" được cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua chuyên đề "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", "Năng suất cao - Quản lý giỏi", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi" được triển khai sâu rộng và phát triển mạnh mẽ trong các đơn vị sản xuất.
Nhiều đợt, chiến dịch thi đua lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được tổ chức, giúp hoàn thành các công trình, dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao. Nhiều phong trào thi đua liên kết, đợt thi đua cao điểm được tổ chức trên nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc và tăng thu nhập cho người lao động.
Các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng đã lựa chọn, cụ thể hóa những phong trào, nội dung thi đua phù hợp với mô hình hoạt động của từng đơn vị, đặc biệt đối với những doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, thay đổi cơ quan chủ quản.
Trong số đó, ngành tập trung đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, chú trọng đầu tư nâng cao năng lực bằng nhiều giải pháp như: đa dạng hóa sở hữu, huy động các nguồn vốn trong xã hội; đầu tư hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng bộ; đổi mới cơ chế quản lý; chú trọng đầu tư chiều sâu, thực hiện chuyên môn hóa; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động; đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển thị trường, mở rộng hợp tác; chủ động khắc phục khó khăn, từng bước ổn định, phát triển, giải quyết việc làm và ổn định đời sống của người lao động.
Trong phong trào "Năng suất cao - Quản lý giỏi", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", các đơn vị đã quan tâm, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kỹ năng hoạt động cho cán bộ, trình độ chuyên môn tay nghề cho người lao động thông qua nhiều hình thức phong phú.
Giai đoạn 2015 - 2020, ngành xây dựng đã có 8.356 sáng kiến, 568 đề tài được ứng dụng trong thực tiễn, làm lợi cho các đơn vị trên 1.700 tỷ đồng, tiết kiệm 90.000 tỷ đồng. Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động xây dựng đã tiếp cận nhanh với công nghệ xây dựng mới, trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại, từng bước đáp ứng được yêu cầu quản lý, tư vấn, thi công công trình quy mô lớn, hiện đại. Năng lực quản lý công trình xây dựng cũng có tiến bộ vượt bậc.
Nhờ đó, hoạt động xây dựng ngày càng mang tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao hơn, phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể cùng tham gia trong quá trình đầu tư xây dựng công trình. Thị trường xây dựng ngày càng lành mạnh, năng lực của các chủ thể ngày càng được nâng cao. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng yêu cầu tính đúng, tính đủ, phù hợp với thị trường, góp phần phòng chống thất thoát, lãng phí...
Theo TTXVN/Báo Tin tức