Ngày 18/11, trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Ade Padmo Sarwono cho rằng RCEP không nên chỉ đơn giản được coi là một hiệp định thương mại, mà là một hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện góp phần vào sự ổn định và an ninh chính trị của khu vực, đồng thời củng cố vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đại sứ Ade cho biết ý tưởng RCEP được Indonesia đề xuất khi giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2011. Nước này cũng giữ chức Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại RCEP. Hiện đây là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 29,6% dân số và khoảng 30,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các nước
tham dự Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, sáng 15/11/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Theo nhà ngoại giao Indonesia, với thực tế rằng đây là FTA rộng lớn nhất cho tới nay bao gồm rất nhiều vấn đề thương mại và kinh doanh thiết yếu, quá trình đàm phán kéo dài 8 năm hết sức mệt mỏi mỏi và được ký kết trong bối cảnh khó khăn nhất, RCEP đã trở nên nổi bật hơn như một “thành tựu xứng đáng nhất”.
Ông khẳng định rằng RCEP là ví dụ mới nhất về cam kết lâu dài, vững chắc của ASEAN đối với chủ nghĩa khu vực mở và hội nhập khu vực. Kể từ những năm 1980 và nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ASEAN đã tăng cường ứng phó với tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị trong khu vực và toàn cầu, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực hội nhập.
Với thỏa thuận này, Indonesia hy vọng có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho các mối quan hệ kinh tế và thương mại trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như đóng góp vào các nỗ lực phục hồi kinh tế. Đại sứ Ade cho rằng kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (HNCC ASEAN 37) và các HNCC liên quan là “rất cần thiết và kịp thời”, vì sự kiện này diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc của con người, đồng thời gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế thế giới và khu vực, kéo theo những thách thức nghiêm trọng cho các xã hội và nền kinh tế trên toàn thế giới trong đó có các nước thành viên ASEAN.
Theo ông Ade, ASEAN cần bắt đầu thực hiện Khung phục hồi toàn diện khu vực (ACRF), trong đó có các nỗ lực tổng hợp và tức thời nhằm giảm thiểu các tác động của đại dịch đối với sức khỏe và an toàn, đồng thời tiến hành khôi phục kinh tế cũng như duy trì chuỗi cung ứng và kết nối trong khu vực.
Trong khuôn khổ ACRF, Indonesia đã đề xuất Tuyên bố ASEAN về thiết lập Khuôn khổ hành lang đi lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến công tác thiết yếu giữa các nước thành viên, đồng thời ưu tiên an toàn sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, và không loại trừ việc áp dụng Khuôn khổ cho các hoạt động đi lại khác trong tương lai.
Tuyên bố trên đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại HNCC 37 vào ngày 13/11. Indonesia hy vọng Khuôn khổ sẽ được hoàn thiện vào quý đầu năm tới, giúp khôi phục quan hệ tương tác kinh tế trong khu vực.
Về vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay, Đại sứ Ade đánh giá rằng Việt Nam đã nỗ lực hết sức để thực hiện trọng trách của mình trong bối cảnh chưa từng thấy. Tất nhiên, đại dịch cũng đã thực sự gây ra các thách thức mới cần vượt qua. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy tinh thần “ASEAN gắn kết và đáp ứng” trong thời gian tới. Điều quan trọng là các nước trong khu vực cần duy trì sự gắn kết và thống nhất trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu; giữ vững vai trò trung tâm của mình trong tất cả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt cũng như kiên định các nguyên tắc chung, trong đó có các nguyên tắc được nêu trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Cho rằng ASEAN cần có khả năng ứng phó tập thể với các thách thức toàn cầu và khu vực, Đại sứ Ade nhấn mạnh: “Cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ hơn và tôi tin rằng với tinh thần chung sức, chung lòng, ASEAN có thể ứng phó và vượt qua bất kỳ thách thức nào trong tương lai”.
Theo TTXVN/Báo Tin tức