Thời gian qua, một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn, thương tích (TNTT), đặc biệt là tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong ở trẻ em, gây lo lắng, bất an cho gia đình và xã hội. Những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ TNTT, trong đó có 7 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước, gần đây nhất là trường hợp 2 học sinh lớp 4 Trường TH Phước Thắng bị tử vong do đuối nước khi tắm ở ao chống hạn tại địa bàn thôn Ma Ty, xã Phước Thắng (Bác Ái). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của các bậc cha mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ... Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Bên cạnh đó, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của môi trường sống xung quanh.
Trẻ em đi bơi cần trang bị áo phao để phòng tránh đuối nước xảy ra. Ảnh: Văn Nỷ
Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng trong thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT và đuối nước cho học sinh, trẻ em trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường học tập, vui chơi và sinh sống an toàn cho trẻ em, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và thương tật do TNTT, trong đó đặc biệt do đuối nước gây ra; ngày 13-10, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3671/UBND-VXNV về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống TNTT và đuối nước trẻ em, trong đó yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng, chống TNTT và đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, tổ dân phố, khu dân cư; giáo dục, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, theo dõi, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ TNTT, đuối nước. Kịp thời rà soát, phát hiện các công trình chứa nước, các khu vực hố nước, hồ ao, sông ngòi, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm rào chắn, đặt biển cảnh báo... nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.
Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, UBND tỉnh còn yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống TNTT trẻ em. Đồng thời, triển khai, mở rộng việc dạy kỹ năng an toàn phòng, chống TNTT, phòng, chống đuối nước, dạy bơi an toàn cho trẻ em. Vận động các gia đình chủ động đưa con đi học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại địa phương. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống TNTT, phòng, chống đuối nước cho trẻ em; về giao thông đường bộ, đường thủy. Kịp thời khắc phục khi xảy ra các vụ việc về TNTT và đuối nước trẻ em.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống TNTT, phòng, chống đuối nước trẻ em tại các cấp, các ngành; huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và người dân cùng chung tay tạo lập môi trường sống an toàn, trợ giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần; phát hiện, chung tay giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ em, nhất là các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, TNTT, đuối nước trẻ em…
Trần Duy