Đồng chí Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết, ngay sau khi nắm tình hình thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động khắc phục thiệt hại trong khả năng. Ưu tiên lớn nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Trong số các xã chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề nhất là xã Phước Minh. Mưa lũ đã cuốn trôi 1.500 gia cầm làm sạt lở và hư hỏng toàn bộ 3 ao nuôi ốc hương với tổng diện tích 0,6 ha, 1 ao nuôi tôm với tổng diện tích 1,94 ha gây thất thoát khoảng 22 tấn tôm, 1 tấn ốc hương sắp thu hoạch của các hộ dân trên địa bàn thôn Quán Thẻ 3. Bên cạnh đó, khoảng 4 ha sản xuất muối thuộc Khu Tây của Công ty Cổ phần muối Cà Ná – Ninh Thuận bị sạt lở bờ ngăn giữa các ao và ô muối, cuốn trôi bạt lót đáy ao và làm vỡ một số tuyến mương dẫn nước mặn. Doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động bơm cấp nước mặn. Ngoài ra, mưa lũ còn cuốn trôi khoảng 300m lưới B40 của 20 hộ dân, làm đổ 600m tường rào của 11 hộ dân, Trạm Y tế xã và Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam. Ngay khi mưa lũ xảy ra, chính quyền xã Phước Minh đã huy động lực lượng công an, quân sự tiến hành ứng cứu kịp thời, hỗ trợ người dân, các lao động trông coi đìa tôm đến nơi an toàn, giúp nhân dân đưa tài sản lên cao.
Chính quyền xã Phước Dinh huy động phương tiện đổ đất, khắc phục điểm sạt lở tại tuyến đường liên thôn Từ Thiện- Vĩnh Trường.
Trong khi đó, tại xã Phước Diêm, nước lớn từ thượng nguồn đổ về đã làm đứt dây neo hơn 100 tàu thuyền của ngư dân. Trong đó, có 2 thuyền nhỏ và 1 thúng máy bị chìm. Sau khi nhận tin báo, ngay trong đêm 15- 10, chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng Biên phòng, kiểm ngư đóng trên địa bàn tiến hành chằng chống, neo lại những tàu thuyền bị đứt dây giảm thiểu thiệt hại. Từ sáng ngày 16-10, các đơn vị họp bàn tính toán phương án trục vớt các phương tiện bị chìm. Do gió lớn kết hợp với hải triều dâng cao khiến việc trục vớt gặp khá nhiều khó khăn. Sau ba ngày nỗ lực với khoảng 50 người, gồm: Chiến sĩ biên phòng, cán bộ kiểm ngư và người dân cùng với sự hỗ trợ của của tàu kiểm ngư đến chiều 18-10 các phương tiện đã được trục vớt thành công. Bước đầu xác định hai thuyền nhỏ bị bứt hai bên mạn thuyền.
Đối với hệ thống giao thông, nặng nề nhất ở xã Phước Dinh. Tuyến đường liên thôn Từ Thiện - Vĩnh Trường bị sạt lở 2 vị trí với chiều dài 30m, khoảng 15m mái ta luy tuyến đường ven biển bị sụt lún. Tại khu vực suối Cò Ke, thôn Từ Thiện bị sạt lở 2 vị trí dài khoảng 21m. Ngay sau khi nhận tin báo của người dân, chính quyền địa phương xã Phước Dinh nhanh chóng phối hợp với các đơn vị thi công đổ đất vá đường đảm bảo Nhân dân đi lại an toàn.
Với sự khẩn trương của chính quyền các địa phương, đến nay, đời sống các hộ dân bị ngập trên địa bàn huyện Thuận Nam đã ổn định trở lại. Sự cố sạt lở tại một số tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng đã được các đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục kịp thời. Riêng tuyến đường liên thôn Từ Thiện-Vĩnh Tường, sau trận mưa lớn chiều ngày 19- 10, 1 trong 2 vị trí sạt lở đã được san lấp trước đó tiếp tục bị sạt lở với chiều dài khoảng 5m. Trong 2 ngày 20 và 21- 10, các đơn vị thi công đang tiếp tục đổ đất, san lấp mặt bằng để người dân đi lại thuận tiện.
Ngọc Diệp