Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020)

Phát huy vai trò phụ nữ trong thời kỳ mới

Xác định vai trò quan trọng của phụ nữ (PN) đối với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN), tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp chị em học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ.

Gánh trên vai hai trọng trách nặng nề, một bên là thiên chức của PN; một bên là trách nhiệm với xã hội, thế nhưng nhiều PN trong tỉnh đã vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nâng cao vị thế của mình trong gia đình, xã hội, xứng đáng là những người PN hiện đại trong tình hình mới.

Nhằm đạt được mục tiêu “Đến năm 2020 cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp triển khai thực hiện. Trong đó, yêu cầu chú trọng lồng ghép vấn đề BĐG trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG và chất lượng hoạt động của Ban VSTBPN trong quá trình tham mưu triển khai kế hoạch chiến lược; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về BĐG trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động…

Các kỹ thuật viên Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phân tích các mẫu nước thải. Ảnh: V.M

Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược quốc gia về BĐG của tỉnh, giai đoạn 2011-2020 đó chính là tăng cường sự tham gia của PN vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ có năng lực, trình độ, triển vọng để bổ sung vào nguồn quy hoạch cán bộ của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện chính sách đặc thù, chính sách ưu tiên đối với PN là người dân tộc thiểu số... Đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ và vai trò của PN trong tham gia chính trị; thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cán bộ nữ ở cơ quan, đơn vị… Nhờ đó, hầu hết cán bộ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các chỉ tiêu tỷ lệ nữ lãnh đạo chính quyền các cấp, lãnh đạo cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đều tăng. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng cấp tỉnh đạt 10%, tăng 2,5% so với nhiệm kỳ trước; cấp huyện 16,78%, tăng 4%; cấp cơ sở 27,3%, tăng 7,72%. Tỷ lệ PN tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 33,33%, tăng 16,67%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 28%, tăng 2%; cấp huyện 25,43%, tăng 0,43%; cấp xã 29,33%, tăng 5,97%. Giai đoạn 2016-2019, số sở, ban, ngành cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 33,33%; cấp huyện 42,85% và cấp xã, phường, thị trấn 58,46%...

Nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của PN nghèo ở nông thôn, PN người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ PN phát triển kinh tế, như: đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn, vay vốn giải quyết việc làm... Kết quả, giai đoạn 2016-2020, tổng số lao động nữ được giải quyết việc làm chiếm trên 50% lao động được giải quyết việc làm; số doanh nghiệp do nữ làm chủ là 865/4.000 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 21,6%, tăng 5,2% so với giai đoạn 2010-2015; lao động nữ được dạy nghề đạt trên 51% tổng số lao động được đào tạo nghề; 100% PN ở vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố nghiên cứu giống cây trồng có chất lượng. Ảnh: V.M

Công tác BĐG trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt kết quả khả quan. Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 đến năm 2020 đạt 95%. Nam và nữ được bình đẳng trong tham gia truyền thông chăm sóc sức khỏe, sử dụng các dịch vụ y tế, thụ hưởng văn hóa, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin. Trong lĩnh vực gia đình, nhận thức của nam giới trong việc chia sẻ công việc trong gia đình với PN ngày càng được thể hiện rõ hơn, tạo điều kiện cho nữ giới được học tập, công tác và tham gia vào các hoạt động xã hội…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác BĐG, VSTBPN vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số chỉ tiêu của Chiến lược hành động về BĐG của tỉnh giai đoạn 2011-2020 có tăng nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Việc tiếp cận quan điểm về giới, BĐG ở một số ban, ngành, địa phương chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Định kiến về giới trong xã hội vẫn còn phổ biến, nhất là vùng nông thôn gây khó khăn trở ngại lớn thực hiện Chiến lược. Cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc, có nơi chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai thực hiện chưa kịp tiến độ theo yêu cầu đề ra. Cán bộ làm công tác BĐG và VSTBPN các cấp đều kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên việc tham mưu còn hạn chế...

Để nâng cao hiệu quả công tác BĐG, VSTBPN, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác này, trọng tâm là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác PN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội về giới, BĐG và công tác PN. Tạo điều kiện cho tất cả nữ công chức, viên chức và người lao động được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc để hoàn thành tốt công tác được giao. Ưu tiên công tác quy hoạch, bố trí cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo bảo đảm đúng quy trình, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Tiếp tục tham mưu về công tác đào tạo nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác trong hệ thống chính trị các cấp của tỉnh đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với PN và trẻ em gái; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ PN, nhất là PN vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các chính sách về giáo dục, y tế, phát triển sản xuất… Qua đó giúp PN ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.