Tính đến 23 giờ ngày 14/10, đã có 40 người chết (chưa tính các nạn nhân do sạt lở thủy điện Rào Trăng 3), bao gồm 34 người bị lũ cuốn, 3 thuyền viên gặp nạn trên biển và 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ. Vẫn còn 8 người mất tích, 15 người bị thương do mưa lũ lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Các tỉnh thiệt hại nặng về người là Quảng Trị (12 người chết), Quảng Nam (9 người chế) và Thừa Thiên-Huế (8 người chết).
Đợt mưa lũ đã khiến cho gần 600 ngôi nhà bị đổ sập, ngập hơn 135.000 ngôi nhà; hơn 6.000ha lúa và hoa màu bị ngập, vùi lấp; gần 4.000ha thủy sản bị thiệt hại.
Các lực lượng khắc phục khẩn cấp khu vực sạt lở bờ biển sau mưa lũ lớn. Ảnh: TTXVN
Mưa lũ cũng khiến 137 điểm quốc lộ, gần 15km đường giao thông bị sạt lở, hư lỏng, tuyến đường sắt Hà Nội - Đông Hà bị chia cắt đến ngày 14/10 mới thông tuyến.
Đáng chú ý là sau hơn 1 tuần, từ ngày 6/10 đến nay, lũ lớn xảy ra trên 14 tuyến sông chính của khu vực miền Trung, trong đó 10 tuyến sông ở mức báo động 3 đến trên báo động 3 tại 5 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Đặc biệt lũ trên sông Bồ (Thừa Thiên-Huế) và sông Hiếu, sông Ô Lâu (Quảng Trị) trong các ngày 8 - 10/10 đã vượt mực nước lũ lịch sử.
Lũ lớn kéo theo ngập lụt nặng. Trong đó, thời điểm cao nhất vào ngày 13/10, có 212 xã, phường (tương đương 135.329 hộ dân) bị ngập tại 5 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Hiện nay, mực nước các sông Thừa Thiên Huế xuống dưới mực báo động 2, các sông khác từ Quảng Bình đến Quảng Nam ở mức báo động 1. Nước ngập nhờ thế đã bắt đầu rút. Cụ thể, tỉnh Quảng Bình còn 2 điểm bị ngập trên Quốc lộ 15 và tỉnh lội 564; tỉnh Quảng Trị ngập 3 xã vùng trũng ven sông thuộc huyện Hải Lăng (Hải Phong, Hải Sơn, Hải Định); tỉnh Thừa Thiên Huế ngập 4 xã thuộc các huyện Quảng Điền (Quảng Thành, Quảng An) và Phú Vang (Phú Lương, Phú Hồ).
Hiện tại, Bộ tư lệnh Quân khu 4, 5 duy trì trên 8.000 người (trong đó có gần 3.000 bộ đội và gần 6.000 dân quân); hơn 200 ô tô, tàu, xuồng các loại, phối hợp với các lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả mưa lũ.
Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia bao gồm: 6.500 tấn gạo, 5,5 tấn lương khô, 20.000 thùng mỳ tôm, các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để khắc phục hậu quả thiên tai.
Để tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo tại các công điện của Thủ tướng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh miền Trung tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Các công tác giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương và Vu Gia - Thu Bồn; khắc phục 2 đoạn còn ách tắc giao thông tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 49 vào Thừa Thiên Huế cũng cần được thực hiện ngay.
Trước nhưng diễn biến còn phức tạp tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, các tỉnh miền Trung cần tiếp tục hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.
Theo TTXVN/Báo Tin tức