Tham dự hội thảo, có các đồng chí: Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố và các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Về phía các cơ quan trung ương, có đại diện lãnh đạo một số cục, vụ, viện thuộc các bộ, ngành liên quan; các nhà khoa học, các chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế và năng lượng.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, làm luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện kết quả thực hiện Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tham dự hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã phân tích hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo và lưới điện tại tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, các đại biểu khẳng định, với 50 dự án điện mặt trời có tổng công suất 3.120 MW và 20 dự án điện gió với tổng công suất 1.510 MW đã được thu hút đầu tư; và kế hoạch đến năm 2030, tổng công suất dự kiến của Ninh Thuận đạt gần 13.800 MW, sản lượng điện có khả năng sản xuất đạt khoảng 34,8 tỷ kWh, Ninh Thuận đang từng bước định hình trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn nhất của việc hiện thực hóa trung tâm năng lượng tái tạo tỉnh Ninh Thuận chính là lưới truyền tải điện chưa theo kịp sự phát triển của nguồn phát và đến nay vẫn chưa có giải pháp tổng thể phù hợp để giải phóng kết công suất phát của các dự án năng lượng tái tạo. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số chính sách thúc đẩy phát triển Trung tâm Năng lượng tái tạo Ninh Thuận như: Vấn đề quy hoạch phát triển, cơ chế thiết lập khu vực hạ tầng lưới điện dùng chung; xây dựng cơ chế dùng chung phù hợp với cơ chế thị trường và tạo động lực thu hút đầu tư vào Trung tâm Năng lượng tái tạo Ninh Thuận…
Phát biểu kết luận tại hội thảo, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng chí giao Sở Công Thương và Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương bổ sung các ý kiến vào Đề án phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Đồng chí cũng bày tỏ tin tưởng, với sự đồng thuận, quyết tâm cao của tỉnh, sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư và sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách của các bộ, ngành trung ương, việc xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của quốc gia sẽ sớm trở thành hiện thực.
Anh Tuấn