Theo nhận định của ngành Khí tượng thủy văn, năm 2020, thời tiết nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có những diễn biến phức tạp. Các loại hình thiên tai như: Mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh lớn hơn trung bình nhiều năm. Về mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12; về lũ trong năm 2020 khoảng từ 2-3 cơn lũ, xuất hiện vào tháng 10 hoặc tháng 11. Về bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến cả nước từ 7-8 cơn, khả năng số cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Ninh Thuận từ 2-4 cơn.
Đập hạ lưu sông Dinh vừa được xây dựng góp phần tích nước, cắt lũ đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành các kế hoạch về công tác PCTT&TKCN năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Với phương châm 4 tại chỗ, huy động tổng lực về người và phương tiện, cơ sở vật chất bằng mọi biện pháp chống đỡ không để vỡ đê, vỡ đập tổ chức ứng cứu kịp thời. Hạn chế thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong công tác ứng phó thiên tai; tuyên truyền sâu rộng những kiến thức về phòng, chống thiên tai để người dân có ý thức chủ động phòng ngừa. Các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2020; huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống này; triển khai thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn, phù hợp với điều kiện, loại hình thiên tai với từng địa phương. Khẩn trương rà soát, đánh giá các khu dân cư ven sông, suối, xác định khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, sạt lở đất để bố trí dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. khi xảy ra thiên tai phải ưu tiên cứu người trước, cứu tài sản sau.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN do cấp, ngành mình quản lý theo hướng tinh, gọn, đủ mạnh; xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng vùng, từng địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức thực hiện; bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo nhằm đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành kế hoạch tu bổ, nâng cấp đê điều; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ các công trình thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, cho biết: Trước mùa mưa, lũ năm 2020, Công ty tổ chức lập và trình UBND tỉnh phê duyệt các phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước; phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Công ty đã kê khai đăng ký an toàn 21/21 đập, hồ chứa nước. Có 13/21 hồ và 4/4 đập dâng có trạm quan trắc mực nước tự động; 8/21 hồ có trạm đo mưa tự động. Qua quá trình khai thác sử dụng hầu hết các đập, hồ chứa đều hoạt động bình thường, an toàn trong quá trình sử dụng. Còn bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Trong tháng 7-2020, Chi cục đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực tế các hồ chứa nước, đê điều, các công trình thủy lợi, sông suối trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, cho thấy quá trình khai thác sử dụng hầu hết các đập, hồ chứa nước đều hoạt động bình thường, an toàn trong quá trình sử dụng. Một số đập có biểu hiện xuống cấp, đơn vị đã báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan khắc phục đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.
Xuân Bính