Trong những năm qua, dù đã có nhiều lần trao đổi thông tin về việc đóng “tàu 67” với anh, nhưng gần đây tôi mới biết anh còn là cựu chiến binh (CCB) trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sinh ra và lớn lên trên vùng biển Đông Hải, như bao thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự khác, tháng 2-1982, anh Thắng lên đường nhập ngũ và làm nhiệm vụ quốc tế, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1986 anh được xuất ngũ về lại địa phương sinh sống. Năm 1987, anh được vào làm tài công (lái tàu) cho hợp tác xã (HTX) nghề cá Đông Hải 4, nhưng đến năm 1989 do làm ăn thua lỗ nên HTX giải thể. Bản thân anh bấy giờ không có việc làm nên lúc nào cũng trăn trở tìm hướng mưu sinh mới. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mua lại tàu cá có công suất 30CV với giá 120 triệu đồng để tự mình làm chủ. Quyết định mang tính bước ngoặt này đã tạo tiền đề cho ngư dân Trần Công Thắng vươn lên, khẳng định vị trí của mình trong hoạt động khai thác hải sản xa bờ.
Điều đáng chú ý là song song với hoạt động đánh bắt, anh Thắng không quên trách nhiệm của ngư dân là góp phần vào khẳng định chủ quyền biển, đảo. Theo đó, thực hiện theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP của Chính phủ về huy động nhân lực tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam, Tổ đoàn kết khai thác thủy hải sản của gia đình anh đã đăng ký với ngành chức năng sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Thắng còn là người sống “tình làng, nghĩa xóm”, biết san sẻ giúp đỡ cộng đồng nơi mình sinh sống. Cụ thể, anh đã có những việc làm thiết thực như: Hướng dẫn giúp đỡ 11 lao động, trong đó có 5 hộ khó khăn; tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động/năm; giúp đỡ có hiệu quả 12 hộ khó khăn về vốn, vật tư kỹ thuật; hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 17 lao động; đóng góp xây dựng đường bê tông với số tiền 2.500.000 đồng/năm.
Với trách nhiệm là Chi hội trưởng Hội CCB đồng thời cũng là hội viên nông dân khu phố 4, anh Thắng luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực đi đầu trong các hoạt động của địa phương. Anh luôn tích cực đóng góp các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”... do địa phương phát động. Bằng kinh nghiệm lâu năm bám biển, anh sẵn sàng hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản theo quy định của Nhà nước như không đánh bắt xâm phạm lãnh hải nước bạn, tuân thủ về IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Quan tâm người lao động trên tàu cá mình, anh hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế cho tất cả thuyền viên. Ngoài ra, anh luôn nêu cao tinh thần đạo đức nghề biển, sẵn sàng đưa tàu ứng cứu, hỗ trợ tàu cá của ngư dân gặp nguy hiểm khi đang khai thác trên biển, được ngư dân địa phương đánh giá cao.
Những đóng góp trên của ngư dân Trần Công Thắng đã được địa phương nêu gương là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và xứng danh là “Cựu chiến binh gương mẫu”. Năm 2016, 2017 anh được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích CCB làm kinh tế giỏi; năm 2019 nhận Bằng khen CCB gương mẫu 5 năm. Vừa qua, anh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen nông dân điển hình tiên tiến, đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào Thi đua yêu nước 5 năm (2015-2019).
Bạch Thương