Ngày 22 tháng 5 tới đây, toàn dân ta đi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016- Đây là cuộc bầu cử nhằm phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh. Nhân sự kiện trọng đại – ngày hội toàn dân thể hiện quyền làm chủ của mình – một trong những quyền thiêng liêng mà lúc sinh thời Hồ Chủ tịch kiên trì phấn đấu quên mình vì dân, vì nước để cho ai cũng được thực hiện quyền bầu cử, chúng ta ôn lại một vài quan điểm của Người về công tác bầu cử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh: T.L
Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính Bác Hồ trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời đã đề nghị sớm có một cuộc bầu cử để thông qua hiến pháp, Người nói: “…Nhân dân không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị chính phủ phải có tổ chức càng sớm càng hay, cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu!” (trích “Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch”, Nhà xuất bản Sự Thật, tập 1) .
Khi được Chính phủ ủng hộ, toàn dân ta đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, những lời kêu gọi thiết tha của Người đến nay vẫn âm vang trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII hôm nay:
“… Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày sung sướng của đồng bào ta và ngày mai là ngày tổng tuyển cử … Ngày mai tất cả các bạn cử tri nhớ đi bầu cử. Ngày mai mọi người đều vui vẻ hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do”.
Lật lại những trang sử vàng dầu sôi, lửa bỏng “ngàn cân treo sợi tóc” những năm đầu của chính quyền nhân dân non trẻ, chúng ta thật cảm kích trước việc Bác Hồ kính yêu trong bộn bề công việc vẫn đặt lên hàng đầu công tác bầu cử, Người thiết tha kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đi bỏ phiếu, Người không chỉ quan tâm đến việc động viên nhân dân sử dụng quyền dân chủ cơ bản của mình mà còn ân cần giải thích rất rõ ràng để mọi người dễ hiểu, dễ nghe, nắm được tầm quan trọng của quyền bầu cử; Người nói “…Trước hết, tôi xin tóm tắt Luật bầu cử của ta thật là dân chủ. Tất cả các công dân gái cũng như trai, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, tự do lựa chọn người thay mặt mình…”. Không chỉ có quan điểm đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bầu cử, một khi quyền bầu cử và ứng cử, quyền tham gia công việc Nhà nước của nhân dân được bảo đảm, Bác Hồ luôn có chủ trương điều chỉnh, sửa đổi pháp luật, làm cho nó phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đọan mới. Không chỉ gương mẫu trong việc xây dựng pháp luật bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân, không chỉ là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khai sinh ra nền pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn là tấm gương mẫu mực, ngời sáng trong việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về công tác bầu cử.
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, vì kính trọng, suy tôn Người là công dân số một của đất nước, có người đã viết thư đề nghị Bác không phải ra ứng cử, người thì đề nghị Bác ra ứng cử ở địa phương mình… Bác Hồ của chúng ta đều rất trân trọng và viết thư trả lời rất thân ái: “…Tôi rất cảm động trước tình cảm của đồng bào… nhưng tôi là là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt ra khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ của người dân trong cuộc tổng tuyển cử.”
Ôn lại tấm gương của Bác Hồ kính yêu trong công tác bầu cử, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta càng tâm niệm, nguyện ra sức học tập, rèn luyện và công tác, phấn đấu bằng mọi giá đi theo con đường mà Người đã chọn, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; phát động một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, thông qua cuộc bầu cử lần này làm dấy lên phong trào thi đua xây dựng cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, xây dựng các cơ quan Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh đủ sức đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên đường hội nhập vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
TS
Theo Web Giáo dục thời đại