Dự diễn đàn có đại diện: các tổ chức phi chính phủ đến từ các nước thành viên ASEAN; Ban Thư ký ASEAN; các tổ chức quốc tế và khu vực.
Về phía Việt Nam có: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Văn phòng Quốc hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Đây là sự kiện hàng năm được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD). Chủ đề của diễn đàn năm nay là một trong những nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nhằm ứng phó với dịch COVID-19.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Thị Minh Đức cho biết: Đại dịch COVID -19 lan rộng trên toàn cầu từ đầu năm 2020 đã và đang gây ra những thách thức lớn về kinh tế, xã hội, y tế với tất cả các quốc gia. Đại dịch còn gây ra nhiều tác động tiêu cực lên đời sống của mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và các gia đình thông qua nhiều phương diện kinh tế - xã hội khác nhau.
Bà Hà Thị Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Trước bối cảnh đó, Diễn đàn năm nay đã lựa chọn chủ đề "Tăng cường khả năng phục hồi và đoàn kết của gia đình: Vượt qua nghịch cảnh và thích nghi với trạng thái bình thường mới".
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam có khoảng hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng; 57% thu nhập của người lao động giảm. Ở nông thôn, một nửa số hộ bị giảm thu nhập từ hoạt động nông nghiệp tới hơn 38%; may mặc là một trong số ngành bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, bên cạnh nỗ lực phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều phương án nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh; khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm vực lại nền kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến gia đình, đặc biệt là những vấn đề phát sinh trong bối cảnh dịch COVID-19. Các đại biểu cho rằng, dịch COVID-19 có ảnh hưởng lớn đến các gia đình dễ bị tổn thương như hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có lao động phi chính thức và người nhập cư. Thực tế đó đã dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và cản trở khả năng tiếp cận toàn diện các dịch vụ xã hội thiết yếu như dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; dịch vụ giáo dục, trợ giúp xã hội ...
Diễn đàn còn chia sẻ, giới thiệu các câu chuyện điển hình của các nước thành viên về mối quan hệ gia đình và sự đoàn kết trong đại dịch COVID-19; thảo luận về việc tăng cường vai trò gia đình như một hệ thống hỗ trợ thiết yếu để bảo vệ hạnh phúc và đề xuất các biện pháp, hành động, thúc đẩy và bảo vệ gia đình trong toàn khu vực ASEAN.
Theo TTXVN/Báo Tin tức