Thực hiện Kế hoạch số 4438/KH-UBND ngày 23-9-2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Xây dựng XHHT Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của việc học tập suốt đời, xây dựng XHHT, tạo sự lan tỏa trong đời sống-xã hội và mang lại nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Đoàn Thanh niên phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) tặng vở viết, dụng cụ học tập tiếp sức đến trường cho học sinh nghèo tại địa phương trong năm học 2020-2021.
Để Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” được triển khai hiệu quả, thành phố quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT các cấp; ban hành kế hoạch chỉ đạo, điều hành; đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền xây dựng XHHT trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tổ chức tốt Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, tuyên truyền vận động CBCC, giáo viên, học sinh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo, thực hiện tốt văn hóa đọc…
Kết quả, qua 8 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay thành phố có 16 Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) tại 16 xã, phường với tổng số 32 cán bộ; 16/16 Trung tâm HTCĐ đã sáp nhập với Trung tâm Văn hóa, Thể thao phường, xã; có 11 Trung tâm HTCĐ xếp loại tốt, 4 Trung tâm HTCĐ xếp loại khá và 1 Trung tâm HTCĐ xếp loại trung bình. Hằng năm, các Trung tâm HTCĐ mở lớp, thu hút hàng ngàn lượt học viên đến tiếp thu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… Cùng với đó, UBND thành phố chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá, công nhận, triển khai xây dựng các mô hình học tập gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua 5 năm triển khai Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, thành phố đã công nhận 30.274/43.135 “Gia đình học tập”, 17/21 “Dòng họ học tập”, 81/117 “Cộng đồng học tập” và 45/59 “Đơn vị học tập”. Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2012-2020, thành phố có 16/16 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ (trong đó, có 3 phường, xã đạt mức độ 1 và 13 phường, xã đạt mức độ 2); công tác phổ cập giáo dục THCS đạt 100%. Kết quả công tác nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, đến nay có 79,6% CBCCVC tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, 70,8% CBCCVC có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và phấn đấu 10% có trình độ bậc 3; 100% CBCC cấp thành phố được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 99,72 CBCC cấp xã, phường có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định. Đối với lao động nông thôn, có 92,19% người tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học-kỹ thuật-công nghệ tại các trung tâm HTCĐ; 66% công nhân lao động qua đào tạo nghề; 100% học sinh được học kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục… Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố trong thời kỳ đổi mới.
Lâm Anh