Thôn Hiệp Kiết hiện có 345 hộ/1.226 nhân khẩu, đây là một trong những vùng trọng điểm sản xuất lúa trên địa bàn xã Công Hải. Tuy nhiên, do việc áp dụng khoa học - kỹ thuật của người dân còn hạn chế nên năng suất, sản lượng đạt thấp. Với quyết tâm cải thiện tình hình sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển, ông Thu không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền mà còn thực hiện nhiều việc làm cụ thể, để bà con học hỏi làm theo.
Một trong những hoạt động thiết thực, được chính quyền địa phương đánh giá cao, đó chính là cuối năm 2013, UBND xã chọn thôn Hiệp Kiết là khu vực triển khai thí điểm mô hình liên kết sản xuất lúa giống xác nhận với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để nâng cao đời sống kinh tế hộ, bản thân ông cùng với ban ngành của xã, thôn tích cực vận động nông dân tham gia. Ông Thu, chia sẻ: Lâu nay, bà con đã quen với phương thức canh tác cũ, nên công tác vận động gặp rất nhiều khó khăn, để tạo sự tin tưởng, tôi chủ động đứng ra thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất, với vai trò là tổ trưởng trực tiếp ký kết với Công ty cung cấp giống, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm, từ đó người dân cảm thấy yên tâm, chủ động đăng ký tham gia.
Mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, năng suất lúa được cải thiện đáng kể, đạt từ 8-10 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với canh tác theo kiểu truyền thống trước đây. Thành công từ vụ đầu triển khai, mô hình nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều nông hộ, ban đầu chỉ có 1 tổ, với 55 hộ sản xuất 20 ha, đến nay đã nhân rộng lên thành 3 tổ, với gần 100 hộ, sản xuất 90 ha giống lúa xác nhận, áp dụng triệt để theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”. Năm 2019, khi địa phương có chủ trương xây dựng mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn, 3 Tổ liên kết sản xuất do ông phụ trách cùng với nông dân ở các thôn Suối Vang, Ba Hồ mạnh dạn triển khai thực hiện trên diện tích 150 ha. Từ việc áp dụng khoa học-kỹ thuật, mùa vụ hàng năm luôn duy trì đảm bảo sản lượng tăng mạnh, tăng lợi nhuận cho các hộ tham gia. Ngoài ra, để ứng phó hiệu quả với nắng hạn, ông hướng dẫn người dân lựa chọn giống cây trồng tiết kiệm nước, phù hợp với từng xứ đồng đưa vào canh tác. Nhờ đó, nhiều vùng đất cằn cỗi, thiếu nước đã được phủ xanh của các loại cây trồng như bắp nếp, đậu phộng, dưa hoàng kim. Đời sống hộ dân có bước chuyển biến rõ rệt, thu nhập bình quân đạt từ 35-40 triệu đồng/người/năm; toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo; hộ khá, giàu ngày càng tăng.
Bên cạnh quan tâm, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ông Thu còn là nông dân gương mẫu, đi đầu trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ những việc làm linh động, sâu sát thực tế, hàng chục hộ dân trong thôn tự nguyện hiến đất, đóng góp 1.800 ngày công và 80 triệu đồng tiền mặt cùng Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng đường giao thông phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản; vận động 5 hộ sinh sống gần nhau góp tiền xây dựng trụ điện, bắt bóng đèn chiếu sáng, bảo đảm an ninh trật tự trong thôn.
Với những nỗ lực vì cộng đồng trong nhiều năm liền, ông Đặng Trung Thu được chính quyền các cấp ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng; đóng góp tích cực trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Hồng Lâm