Nhờ vậy, người dân thực sự có chuyển biến về nhận thức, thay đổi về hành vi thực hiện công tác Dân số-Chăm sóc sức khỏe sinh sản/Kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ), góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bác sỹ Lộ Xuân Trịnh Cương, Trưởng phòng Dân số-KHHGĐ Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước cho biết: Trước đây, truyền thông dân số chủ yếu hướng vào lĩnh vực KHHGÐ nhằm hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số. Đến nay, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, truyền thông có thêm nhiệm vụ mới và quan trọng là nâng cao chất lượng dân số. Để công tác tuyên truyền phù hợp với quan điểm trọng tâm của nghị quyết, ngay từ đầu năm, phòng Dân số huyện đã lên kế hoạch truyền thông lồng ghép CSSKSS - KHHGĐ rộng khắp trên địa bàn, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị. Theo đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số bám sát cơ sở, thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức như: truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề cho những người có uy tín trong cộng đồng; truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình… cho trên 1.330 lượt người. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số - KHHGĐ trong tình hình mới, chú trọng giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh, sơ sinh và các hoạt động nâng cao chất lượng dân số...
Buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh Trường THCS Huỳnh Phước.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện tổ chức 9 buổi nói chuyện chuyên đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh với 820 người tham dự. Phát huy thế mạnh của các hoạt động truyền thông đại chúng, ngành Y tế huyện Ninh Phước đã phối hợp với Đài truyền thanh huyện định kỳ hàng tuần, hàng tháng thực hiện các chương trình tọa đàm câu chuyện truyền thanh và các tin, bài tuyên truyền về các hoạt động Dân số-KHHGĐ. Trong đó nhiều thông tin, nội dung thiết thực được chuyển tải đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và có sức thuyết phục. Bên cạnh đó, ngành y tế - dân số huyện còn tăng cường các hoạt động tư vấn, cấp phát, tiếp thị phương tiện tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn lồng ghép hoạt động tư vấn cho học sinh tại các buổi học ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe thanh niên và vị thành niên, giúp các em hiểu rõ hơn về những vấn đề tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu tuổi vị thành niên, thanh niên.
Cùng với công tác tuyên truyền, huyện chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên, thường xuyên nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân số. Hiện toàn huyện có 223 cộng tác viên dân số được phân bổ đều ở 9 xã, thị trấn. Đội ngũ cộng tác viên luôn bám cơ sở, tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đưa các chính sách Dân số - KHHGĐ về với người dân; tuyên truyền, vận động các đối tượng nằm trong độ tuổi sinh đẻ tham gia CSSKSS/KHHGĐ, xây dựng mô hình ít con, gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ nên công tác truyền thông thu được nhiều kết quả cao, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch về Dân số - KHHGĐ ở địa phương. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 0,48%; tỷ lệ phụ nữ áp dụng phương pháp tránh thai hiện đại đạt 65,2%; tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao với 19,1%...
Phát huy những kết quả đạt được trong công tác Dân số - KHHGĐ ở địa phương, thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường phát huy hiệu quả sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế - Dân số với các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội. Tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp, làm tốt công tác xã hội hóa để tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu Dân số - KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện.
Duy Nam