Xác định lĩnh vực đời sống xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy KT-XH phát triển, tỉnh đã phát động nhiều PTTĐ trên từng lĩnh vực cụ thể liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội. Điển hình như PTTĐ xây dựng “Quỹ vì người nghèo” được phát động, phát triển mạnh mẽ, thực hiện có hiệu quả. Trong giai đoạn 2016-2020, đã vận động, tiếp nhận 42,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ, tỉnh đã xây dựng 1.144 căn nhà đại đoàn kết, với số tiền 31,5 tỷ đồng; sửa chữa 1.494 căn nhà cho hộ nghèo gần 6 tỷ đồng… Hay triển khai thực hiện Quyết định số 1258/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4492/2017/KH-UBND phát động PTTĐ “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”; trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng chương trình kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo với lộ trình, bước đi phù hợp và cụ thể theo từng năm và giai đoạn. Đồng thời phát động PTTĐ vận động các nguồn lực xã hội, tổ chức cá nhân tham gia hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận tốt nhất nguồn vốn sản xuất làm ăn, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để cải thiện cuộc sống, giảm nghèo căn cơ, bền vững. Đi vào thực tế, từng ngành, từng địa phương có kế hoạch, chuyên đề huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo gắn với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương hàng năm.
Đề án 406 hỗ trợ bò giống sinh sản cho các hộ nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai đã mở ra cơ hội mới cho nhiều hộ dân trên địa bàn Bác Ái có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ảnh: T.Quang
Qua PTTĐ đã xuất hiện nhiều phong trào điển hình như: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với mô hình: Đề án 406/ĐA “Hỗ trợ đồng bào nghèo Bác Ái thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 và Chương trình hỗ trợ bò cái giống giúp người nghèo trong toàn tỉnh. Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay đã vận động, tiếp nhận 19 tỷ đồng mua 1.000 con bò cái giống hỗ trợ cho 750 hộ nghèo, giúp cho các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Huyện Ninh Phước đã vận động 41 cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, giúp đỡ 477 hộ nghèo, trong đó có 250 hộ nghèo được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo bền vững; Hội Phụ nữ tỉnh vận động được hơn 1,95 tỷ đồng, hũ gạo tình thương thu được 6.553 kg gạo, giúp cho 2.708 phụ nữ khó khăn, neo đơn, gia đình chính sách, học sinh nghèo hiếu học…Các PTTĐ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo (năm 2016) từ 12,54% xuống còn 5,74% (năm 2020), bình quân giảm 1,84%/năm, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đề ra. Bộ mặt nông thôn các xã nghèo được cải thiện rõ rệt; người nghèo, cận nghèo được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, đời sống được nâng lên, ổn định cuộc sống.
Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Ảnh: V.Nỷ
Từ việc tổ chức hiệu quả PTTĐ trên lĩnh vực đời sống xã hội đã tác động tích cực thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển: Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2015-2020 là 10,2%/năm, quy mô nền kinh tế tăng 2,16 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể hướng mạnh về cơ sở, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực, tự giác tham gia các PTTĐ yêu nước có hiệu quả góp phần quan trọng giúp tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, dành được thắng lợi khá toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH quốc phòng- an ninh.
Phát huy các kết quả đạt được, trong giai đoạn đến, tỉnh tiếp tục quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc “Càng khó khăn càng phải thi đua” và tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng; các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể các cấp cần phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng, qua đó làm cho PTTĐ ngày càng phát triển sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và bao quát trong toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội. Đổi mới nâng cao chất lượng các PTTĐ, đưa PTTĐ thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; thi đua hướng vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách trung bình với thu nhập bình quân đầu người so với cả nước; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Bình An